Cây cao su có mặt trên vùng đất đỏ bazan Vĩnh Linh từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi Nông trường Quyết Thắng ươm những mầm cây đầu tiên xuống vùng đất Bãi Hà, Bến Quan. Kể từ đó, vượt qua bao mưa bom, bão đạn, sóng gió thiên tai, cây cao su bén rễ vững bền tạo dựng sức mạnh cho các nông trường quốc doanh trên đất Vĩnh Linh.
Nhưng phải đến 30 năm sau cây cao su mới thực sự vượt ra khỏi ranh giới các nông trường để đứng vững trên những lô đất của nông hộ và sản phẩm “vàng trắng” lên ngôi để phong trào trồng cao su tiểu điền phát triển ở Quảng Trị mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở các “vùng đất chết” Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ.
Hiện nay, mặc dù sản phẩm mủ cao su không còn sốt giá như những năm trước, nhưng cây cao su vẫn đang tiếp tục khẳng định giá trị bền vững của nó trên vùng gò đồi. Những vườn cao su kinh doanh có chất lượng tốt vẫn cho thu nhập bình quân từ 600 - 700 ngàn đồng/ha/ngày. Gia đình chị Phan Thị Na ở thôn Tân An, xã Vĩnh Hiền có 1 ha cao su 14 tuổi. 3 năm trước đây với diện tích này gia đình chị thu gần 2 triệu đồng/ngày, đến nay giá cao su giảm xuống còn 600 ngàn đồng/ngày.
Canh tác cao su bền vững
Chị Na cho biết: “Dù giá cao su hiện nay chỉ bằng 1/3 thời điểm giá cao nhất vào năm 2010 - 2011 nhưng thu nhập đó cũng đảm bảo cuộc sống ổn định cho người trồng. Đầu tư cho cây cao su chỉ nặng chi phí chăm bón trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, trong 7 - 8 năm khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha, nhưng đến khi đưa vào khai thác thì cho thu nhập ổn định hàng ngày. Mỗi năm cây cao su có 3 tháng thay lá mình phải nghỉ cạo mủ, còn lại 9 tháng với giá thấp như hiện nay cũng cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha. Qua nhiều năm lựa chọn, ít có loại cây nào có thể trồng với diện tích lớn mà cho hiệu quả kinh tế khá như cây cao su, vì thế người dân ở đây vẫn xác định trồng lại cây cao su, dù hai trận bão vừa qua làm đổ gãy nhiều”.
Xã Vĩnh Hiền hiện có khoảng 50% số hộ có thu nhập bình quân từ 300 - 600 ngàn đồng/ngày từ cây cao su, một số hộ có thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày. Với tính ổn định như thế nên người nông dân vẫn yên tâm phát triển.
Hiện nay, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới từ 500 - 700 ha cao su, trong đó Vĩnh Linh, Gio Linh mỗi huyện trồng mới từ 150 - 200 ha. Nhờ đó, đến nay, tổng diện tích cao su của toàn huyện Vĩnh Linh trên 7.000 ha, trong đó có khoảng 65% diện tích đã đưa vào khai thác; huyện Gio Linh năm 2013 có 1.160 ha cao su tiểu điền đang khai thác trong tổng số 3.517 ha. Phần lớn các xã trồng cao su ở Vĩnh Lĩnh, Gio Linh đều nằm ở vùng đất đỏ bazan, ruộng lúa ít nên thu nhập từ cây cao su trở thành nguồn thu nhập chính.
Cây cao su được xem là loại cây đa mục tiêu, vừa cho giá trị kinh tế ổn định, vừa có giá trị như những cánh rừng phòng hộ, bảo vệ đất, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ. Trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, cây cao su được xác định là cây công nghiệp mũi nhọn. Những năm qua, việc phát triển mạnh mẽ cây cao su theo quy hoạch đã tạo ra bước đột phá lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, bố trí lại lao động nông thôn, tạo lập vùng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, làm thay đổi cơ bản tập quán canh tác, nâng cao trình độ sản xuất của nông dân. Thực tế đã chứng minh rằng cây cao su đem lại nguồn thu nhập khá, ổn định cho người dân, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên giàu có, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.
Trên vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cây cao su đang hồi sinh mãnh liệt. Hàng chục năm qua, màu xanh ngút ngàn của cây cao su mang lại cuộc sống ấm no cho người dân các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Tuy nhiên, do vị trí gần biển nên việc phát triển cao su ở 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Cây cao su đã khẳng định sự dẻo dai bền bỉ trước điều kiện khí hậu khắc nghiệt như nắng nóng, mưa rét ở Quảng Trị nhưng trước gió bão thì cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng của con người về chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và cách khai thác mới. Lợi ích to lớn do cây cao su mang lại đã tạo nên sức mạnh cho nông dân Vĩnh Linh và Gio Linh quyết tâm phát triển nó phù hợp với vùng đất lắm mưa nhiều bão.
Theo ông Trần Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Quảng Trị, để cây cao su phát triển bền vững ở các vùng gần biển thì nông dân cần tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật. Người trồng cao su phải chú trọng đến việc đầu tư, thâm canh nâng cao chất lượng, sản lượng mủ, thiết kế vành đai cây lâm nghiệp để hạn chế gió bão quanh các lô cao su. Cần chọn các loại giống có thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, sản lượng mủ cao, chịu được sức gió bão như RRIC 100, RRIC 211, RRIM 712, RRIm 600 và GT 1. Hàng cây cao su phải được trồng dọc theo hướng gió đông từ biển thổi vào, để tạo khoảng trống cho gió lùa...”.
Có thể nói, diện tích vùng đất đỏ bazan, vùng gò đồi Quảng Trị không lớn nhưng đây là vùng tiềm năng để phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, các địa phương đã tập trung đầu tư khai thác đúng thế mạnh của cây cao su nên trên các vùng đất bị chiến tranh hủy diệt, màu xanh đang trỗi dậy, cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Người dân Vĩnh Linh, Gio Linh thực hiện được khát vọng vươn lên từ đất, từ sự đầu tư đúng hướng cho cây cao su.
Dẫu thiên tai vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất nhưng cây cao su trên vùng đất này vẫn kiên cường chịu đựng để dâng hiến cho đời dòng nhựa trắng quý giá được chắt ra từ đất, từ bàn tay lao động cần cù của những con người không bao giờ khuất phục trước số phận, trước thử thách nghiệt ngã của tự nhiên.
Bài, ảnh: Võ Thái Hòa/ Báo Quảng Trị
Không có nhận xét nào: