Tranh thủ những lúc trời không mưa, thời gian này, gia đình anh Phạm Văn Hùng, ở thôn Bù Đốp, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp, Đăk Nông) đang tập trung chăm sóc gần 1,5 ha cà phê kinh doanh.
Theo anh Hùng thì mùa mưa là thời điểm sâu bệnh rất dễ phát sinh gây hại cho cà phê bởi vườn cây có độ ẩm cao. Trong đó, bệnh rệp sáp hại cành và chùm quả non là chủ yếu, nếu không có chế độ phòng, chống hiệu quả thì rất dễ gây ra hiện tượng rụng quả hàng loạt làm ảnh hưởng đến năng suất vườn cây.
Do đó, thời gian này, gia đình anh đang tập trung vào việc cắt bỏ bớt chồi, những cành khô. Biện pháp phòng trừ sâu bệnh chính mà anh thực hiện, đó là làm sạch cỏ, cắt bỏ các cành sát mặt đất để hạn chế sự lây lan của rệp thông qua kiến.
Nông dân xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp) tập trung chăm sóc cà phê trong mùa mưa, hạn chế rụng quả non
Đối với những cây có bệnh, anh dùng các loại thuốc Bi58, Subatox, Suprathion, nồng độ 0,2-0,3% để phun trừ rệp, phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày. Nhờ có cách phòng bệnh hợp lý mà hiện cây cà phê của gia đình đang phát triển khỏe mạnh, quả lớn nhanh.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng thì để nâng cao sản lượng cà phê của xã, hàng năm căn cứ trên những văn bản của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, xã luôn chỉ đạo cho cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, các thôn hướng dẫn nhân dân chú ý cách chăm sóc đúng cách, nhất là trong mùa mưa.
Tương tự, thời gian này, nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đắk Mil cũng đang dồn sức cho chăm sóc cà phê. Theo ông Nguyễn Văn Bảy ở thôn Thuận Sơn, xã Thuận An thì kinh nghiệm của ông là mỗi mùa mưa cần chặt, tỉa cây che bóng từ 2-3 lần vào đầu, giữa và trước lúc kết thúc mùa mưa khoảng 1 tháng.
Cùng với đó, gia đình ông huy động thêm nhân công để làm sạch cỏ, rồi tiến hành rải vôi đều khắp vườn với một lượng vừa phải khoảng 100kg/ha, tiếp xúc với đất càng nhiều càng tốt, không cần lấp đất. Sau khi rải vôi được khoảng 10 ngày thì ông tiến hành bón phân NPK 16-8-16-13S-TE với thành phần NPK cân đối, có thành phần lưu huỳnh và trung vi lượng cần thiết.
Là đợt bón phân thứ hai trong mùa mưa nên ông bón nhiều hơn đợt một, khoảng 800-1.000 kg/ha. Khi đất có đủ độ ẩm thì ông đào rãnh xung quanh tán cây cà phê, rải phân đều và lấp đất. Nhờ cách bón phân, chăm sóc đúng cách mà vườn cà phê của ông không bị rụng quả non, thân, cành đều khỏe mạnh. Chính vì thế, năng suất vườn cây luôn đạt mức khá cao từ 3-4 tấn/ha.
Theo Phòng Trồng trọt (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) thì mùa mưa dễ phát sinh sâu bệnh gây hại cho cà phê, do đó nhà nông cần có chế độ chăm sóc, phòng bệnh hợp lý, đúng cách. Trong đó, các biện pháp chủ yếu là tỉa cành che bóng, đánh chồi, đào rãnh, bón phân. Các loại sâu bệnh phát sinh chủ yếu là rệp sáp hại cành, chùm quả non, phát sinh chủ yếu vào tháng 5/2014, rệp vảy, nấm hồng, thán thư, thối nứt thân gây hại mạnh ở các tháng 4, 5, 6, 7, 8/2014.
Để đảm bảo năng suất, bà con cần chú ý triển khai tổng hợp các biện pháp, trong đó việc bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp-PTNT đúng lúc, đúng cách, liều lượng mới đem lại hiệu quả cao.
Bài, ảnh: Trần Lê/ Báo Đăk Nông
Không có nhận xét nào: