» » » Giảm sản lượng lúa gạo để đảm bảo đa dạng sinh học

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự một hội thảo về đa dạng sinh học tổ chức hôm nay, 27-5 tại Cần Thơ đã đồng loạt lên tiếng khuyến cáo về nguy cơ đa dạng sinh học bị phá vỡ. Các nhà khoa học cũng kêu gọi giảm sản lượng lúa trong quy hoạch chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Lũ lụt ở ĐBSCL ngày một nặng nề hơn. Ảnh minh họa: Ngọc Tùng

GS-TS  Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, nhấn mạnh tại hội thảo rằng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên giảm bớt sản xuất lúa gạo bởi trồng lúa gạo gây ra tác động suy thoái môi trường lớn nhất, nông dân cũng là người chịu ảnh hưởng nặng nhất.

“Với cơ cấu lúa 3 ba vụ trong năm, ĐBSCL đã phải đánh đổi hết sức nặng nề nếu xem xét ba mục tiêu kinh tế - xã hội – môi trường”, TS. Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Đại học Cần Thơ, nhận định.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang còn nêu hình tượng, làm lúa thâm canh tức là nông dân đã tự nguyện uống thuốc độc để chết từ từ…

Theo luật Đa dạng sinh học, các quy hoạch chồng lấn phải ưu tiên cho đa dạng sinh học, trừ các quy hoạch quốc phòng, tuy nhiên trong thực tế đa dạng sinh học bị xem nhẹ; các quy hoạch đa phần chỉ lưu ý tới đánh giá tác động môi trường mà chưa hề tính toán tới tác động đa dạng sinh học.

Ông Jake Brunner, Điều phối viên Chương trình Mekong của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nêu một thực tế đáng báo động khác: nhiều vùng đê bao sản xuất ba vụ lúa đã khiến ngập lụt, xâm nhập mặn ngày càng tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, trong khi biến đổi khí hậu sẽ càng khó lường.

Bên cạnh đó ĐBSCL đang đánh đổi giữa việc sản xuất lúa gạo và nguồn lợi thủy sản từ thiên nhiên. Theo ông Jake, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên là hai chiếc túi chứa nước của ĐBSCL vào mùa lũ và cung cấp nước ngọt cho cả vùng hạ lưu trong mùa khô. Nhưng khi đầu tư các công trình sản xuất lúa thâm canh, hai túi nước nói trên đã mất đi vai trò điều tiết tự nhiên của nó.

Về phía con người, “5 năm trước Ngân hàng Thế giới (WB) đã nghiên cứu, phân tích các mẫu máu lấy từ những nông dân trực tiếp sản xuất lúa gạo, kết quả cho thấy độ nhiễm thuốc trừ sâu trong các mẫu rất lớn,” ông Jake nói.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nêu hình tượng rằng làm lúa thâm canh tức là nông dân đã tự nguyện uống thuốc độc để chết từ từ.

Hội thảo về đa dạng sinh học hôm nay thảo luận phương pháp tiếp cận quy hoạch tổng hợp nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược về công ước đa dạng sinh học và tăng cường sức chống chịu của hệ sinh thái với biến đổi khí hậu. Đây là hội thảo tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học thuộc các tổ chức, các viện, trường; nhà quản lý các tỉnh ĐBSCL đi đến việc xây dựng chiến lược quy hoạch chung cho toàn vùng.

Hội thảo cũng là bước khởi động dự án đánh giá quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và toàn cầu làm minh họa cho những lựa chọn sử dụng đất mới, hiệu quả cả về mặt pháp lý, chính sách lẫn quy trình… nhằm tăng khả năng chống chịu của ĐBSCL thông qua khôi phục khả năng điều tiết trữ lũ và chức năng điều hòa lũ của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên cũng như khôi phục khả năng cung cấp các dịch vụ sinh thái của hệ tự nhiên tại các vùng ven biển.

Dự án do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thực hiện với sự tài trợ của Bộ Môi trường, bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân CHLB Đức. Dự án được triển khai tại các quốc gia: Việt Nam, Colombia, Tanzania và Zambia trong khoảng thời gian từ năm 2014 – -2018 với tổng tài trợ hơn 3 triệu euro. Tại Việt Nam dự án sẽ triển khai tại ĐBSCL với tổng kinh phí ước khoảng 600.000 euro.

“Dự án không phủ nhận hoàn toàn các quy hoạch sẵn có, nhưng đây là cơ hội để ĐBSCL nhìn lại hoạt động của vùng, xây dựng lại các kế hoạch sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước,”, TS Lê Anh Tuấn, Viện phó viện Nghiên cứu biến đối khí hậu ĐBSCL thuộc Đại học Cần Thơ, chia sẻ.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban thường trực, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, kỳ vọng dự án này sẽ gợi cách tiếp cận mới cho những nhà làm quy hoạch trong cách tính toán lợi ích trên quy mô toàn vùng, giảm bớt tình trạng tỉnh này được lợi nhưng tác động xấu cho tỉnh khác hoặc ngược lại. Ông Quang cũng khẳng định, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học phải là ý thức và hành động chung của cả cộng đồng rộng lớn mà dự án có thể mang lại hiệu quả.

Ngọc Tùng/ Thời báo kinh tế Sài Gòn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: