Chôm chôm Rông-riêng là một giống chôm chôm đang đạt hiệu quả kinh tế cao có nguồn gốc từ Thái Lan. Tuy nhiên, giống này có nhược điểm là hay bị nứt trái nếu chăm sóc không đúng cách ở giai đoạn cây mang trái.
Chôm chôm Rông- riêng từ khi cây đậu trái đến thu hoạch khoảng 15- 16 tuần: từ tuần thứ 1- 8, trái phát triển chậm, chủ yếu là phát triển vỏ, râu và hạt; từ tuần thứ 9 bắt đầu có cơm (qua cơm) nên trọng lượng trái tăng nhanh; từ tuần thứ 14 – 15 trái bắt đầu chín.
Ảnh minh họa
Trái chôm chôm Rông- riêng có đặc điểm là vỏ mỏng và cơm dày nên hiện tượng trái bị nứt thường hay xảy ra ở giai đoạn trái bắt đầu qua cơm. Muốn tránh tình trạng này, khi cây bắt đầu đậu trái, nhà vườn phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:
- Bón phân: từ tuần thứ 1- 8 nên sử dụng phân có nhiều lân (P) và ka-li (k) để tạo vỏ cứng cho trái và cuống trái to. Giai đoạn trái qua cơm sẽ lớn nhanh, ngoài lượng phân đạm cao (N) chú ý sử dụng định kỳ phân bón lá có nhiều can-xi (Ca) nhằm giúp vỏ trái thêm cứng. Khi trái bắt đầu chín (hoa cà) bón phân tăng lượng ka-li để nâng cao chất lượng trái.
- Tưới nước: chế độ tưới nước cho cây rất quan trọng trong giai đoạn này, thiếu nước cây bị cháy lá và trái không lớn, nếu tưới nước thất thường hiện tượng nứt trái dễ xảy ra trong giai đoạn trái qua cơm (cây thiếu nước gặp phải các trận mưa lớn hay cây thiếu nước một thời gian bị tưới đẫm nước thì hiện tượng nứt trái sẽ xảy ra do vỏ không phát triển tương ứng với cơm). Vì vậy, vườn chôm chôm Rông- riêng đang mang trái phải luôn giữ đủ nước và được tưới nước đều đặn để cây không bị sốc khi gặp mưa nhiều làm trái bị nứt.
Theo Báo Vĩnh Long
Không có nhận xét nào: