Cùng với cây lúa và các loại cây ăn trái, mía là loại cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL (Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh...) với diện tích dao động từ 48.000 - 52.000ha. Từng có một thời cây mía mang lại thu nhập khá cho nông dân.
Theo định hướng phát triển ngành mía đường vùng ĐBSCL, đến năm 2020, diện tích trồng mía nguyên liệu trong vùng sẽ được nâng lên 60.000ha. Ấy nhưng, vài năm gần đây, người trồng mía vùng sông nước Cửu Long liên tục phải đối mặt với khó khăn do giá mía thấp, tiêu thụ khó... Hệ quả là, từ năm 2013 đến nay, nhiều nông dân bỏ mía chuyển sang cây trồng - vật nuôi khác để tìm lối thoát trong cơn bĩ cực. Huyện Long Phú (Sóc Trăng) từng có diện tích trồng mía lên đến vài ngàn ha, song 2 năm gần đây giảm còn trên 1.000ha (năm 2012), 633ha (năm 2013) và qua năm 2014 có thể chỉ còn 500ha. Cây mía ở huyện Bến Lức (Long An) cũng... teo tóp khoảng 500ha. Còn ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) giảm khoảng 600 - 700ha...
Tuy nhiên, trong bối cảnh không ít loại cây trồng - vật nuôi trong vùng cũng rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá”, chuyển đổi đất trồng mía sang nuôi con gì, trồng cây gì không hề là bài toán dễ giải đối với bà con nông dân. Thực tế trên đồng ruộng cho thấy, bỏ cây mía, nông dân chuyển sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng, các loại cá; trồng lúa, rau màu, nhiều loại cây ăn trái (chanh, ổi, cam sành...). Điều trớ trêu là, nhiều loại cây trồng - vật nuôi nông dân bỏ mía “dấn thân” vào hiện nay lại đang rớt giá mạnh (tôm thẻ chân trắng, ổi, cây sương sáo...). Giá ổi bán tại vườn ở nhiều địa phương trong vùng hiện chỉ còn từ 800 - 900 đến 2.000 - 3.000 đồng/kg tùy giống và chất lượng trái.
Tại Hậu Giang, cây sương sáo nông dân từng bán được giá 25.000 - 30.000 đồng/kg (năm 2013). Song, sau khi diện tích tăng do nông dân bỏ mía chuyển sang trồng cây sương sáo, giá loại cây này giảm gần 50% so với năm 2013. Có thể thấy, không thể bám cây mía mãi trong tình trạng khó khăn, song chuyển sang nuôi con gì, trồng cây gì hầu hết người trồng mía đều mù mờ, chọn theo cách may nhờ rủi chịu!.
Do giá cả nhiều loại nông - thủy sản trồi sụt thất thường, sản phẩm chưa được bao tiêu nên ngay lãnh đạo các xã và các phòng NNPTNT tại các địa phương có diện tích trồng mía lớn trong vùng cũng... lúng túng trong việc định hướng cho nông dân nuôi trồng cây - con gì. Chuyển đổi một phần đất trồng mía sang nuôi trồng loại cây - con nào ở các địa phương vùng ĐBSCL xem ra là bài toán chưa có lời giải...
Lê Như Giang/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: