Hết 3 tháng, xuất khẩu gạo mới đi được 1/3 chặng đường của kế hoạch 6 tháng đầu năm, lượng lúa tồn kho trong dân và doanh nghiệp rất lớn. Tìm kiếm các hợp đồng tập trung và đẩy mạnh xuất khẩu gạo tiểu ngạch là một trong những biện pháp gia tăng xuất khẩu gạo trong quý 2.
6 tháng: Có thể xuất khẩu 3,2 triệu tấn
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo tháng 3 năm nay đạt 583.294 tấn, trị giá FOB 256,184 triệu USD, trị giá CIF 259,522 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu trong quý 1/2014 đạt 1,219 triệu tấn, trị giá FOB 529,777 triệu USD, trị giá CIF 572,989 triệu USD.
Khó khăn trong xuất khẩu gạo những tháng qua là do các doanh nghiệp không có được những hợp đồng lớn và ổn định, gạo Việt Nam bị cạnh tranh mạnh bởi gạo của các nước như Thái Lan, Ấn Độ. Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Phó chủ tịch VFA, xuất khẩu gạo trong quý 1 đã giảm gần 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, quý 2 là thời điểm quan trọng để xuất khẩu gạo để đạt được mục tiêu là 3,5 triệu tấn trong 6 tháng.
Phân tích của VFA cho thấy, thị trường xuất khẩu gạo trong quý 2 sẽ chủ yếu là Trung Quốc, chiếm khoảng 40%, và Philipine chiếm khoảng 30% do có hợp đồng tập trung đã ký từ cuối năm 2013. Nếu như thị trường châu Phi vẫn được xem là khá giàu tiềm năng cho gạo xuất khẩu của Việt Nam thì từ đầu năm đến nay lượng gạo xuất khẩu sang đây đã giảm mạnh. Do bị cạnh tranh bởi gạo của Thái Lan nên sản lượng gạo xuất khẩu sang châu Phi trong quý 1 chỉ chiếm 7% và dự báo của quý 2 cũng chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, ông Huệ cho biết, đã có một số tín hiệu tốt cho xuất khẩu gạo trong những tháng tới, dự báo quý 2 xuất khẩu gạo có thể giảm hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn gần đạt mục tiêu đề ra, VFA kỳ vọng sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm sẽ đạt được từ 3-3,2 triệu tấn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đang trông vào một điểm sáng là thị trường Philippine sắp mở đấu thầu 800 ngàn tấn gạo trong quý 2. Theo nhận định của giới quan sát, đây là yếu tố quan trọng nhất trong thị trường gạo hiện nay và cũng sẽ là “cuộc chiến” giữa Thái Lan và Việt Nam trong nỗ lực thắng thầu. Hơn thế, gói thầu này có thể định hình nhu cầu và xu hướng giá trong quý 2, nếu giá gạo xuất khẩu giảm thì sẽ hình thành mặt bằng giá mới thấp, gây khó khăn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tìm cách mở rộng thị trường gần
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho dù các hợp đồng tập trung không nhiều nhưng xuất khẩu gạo qua các lối mở, cửa khẩu theo đường tiểu ngạch đã góp phần không nhỏ trong việc tiêu thụ lúa gạo của nông dân. Thực tế, trong quý 1 năm nay, con số chính thức qua khai báo thì lượng gạo xuất sang thị trường này chỉ có gần 200 ngàn tấn. Tuy nhiên, theo VFA, số liệu mà hiệp hội nắm được tại các địa phương phải gần 400 ngàn tấn. Ông Huỳnh Minh Huệ khẳng định: xuất khẩu biên giới đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ lúa gạo. Do một số nguyên nhân khách quan trong vận chuyển hàng nên thời gian gần đây việc xuất khẩu gạo theo đường biên mậu có xu hướng chững lại, “Nếu xuất khẩu biên giới tăng trở lại thì sẽ giúp giá lúa lên”- ông Huệ nói.
Theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương: Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với VFA đã và đang có những biện pháp sát sao với việc tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại để gia tăng xuất khẩu gạo. Bên cạnh việc việc ký thỏa thuận ghi nhớ về xuất khẩu (MOU) 7 nước, tổng sản lượng 4,2 triệu tấn thì Bộ Công Thương đang xúc tiến ký đàm phán với Malaysia và đàm phán với Trung Quốc để tăng lượng xuất khẩu gạo sang thị trường này. Bà Hà cho biết thêm, thời gian qua việc xuất khẩu gạo qua đường cửa phụ, lối mở cũng được đẩy mạnh, Bộ Công Thương đã cho phép các thương nhân có đầy đủ giấy phép được xuất khẩu gạo qua cửa phụ.
Thùy Linh/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: