» » » Tiêu thụ lúa - vòng xoáy khắc nghiệt (bài 2): “Tạm trữ” không giữ được giá

Sau thời gian dài sụt giảm, giá lúa ở ĐBSCL tưởng như dần hồi phục sau thông tin mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày nhích nhẹ, giá lúa lại quay đầu sụt giảm. Theo dự báo, giá lúa ĐBSCL sẽ tiếp tục giảm sâu. Tất cả như chứng minh một sự thật: “Tạm trữ” không giữ được giá!

Nhiều nơi nông dân phải che giữ lúa 2-3 ngày sau thu hoạch mà doanh nghiệp vẫn chưa đến thu mua.

Lại quay đầu sụt giảm

Sau những ngày nông dân bấn loạn vì nạn thương lái liên tiếp bỏ tiền đặt cọc để né mua lúa theo thoả thuận nhằm tránh thua lỗ vì DN ngừng thu mua, đến ngày 15.3 - thời điểm chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ có hiệu lực - giá lúa ở ĐBSCL bắt đầu có chuyển biến tích cực. Thương lái thu mua trở lại và giá lúa cũng tăng… dù có phần khá “nhẹ nhàng”.

Anh Trần Văn Hiệp - một thương lái ở huyện Thanh Bình (có quy mô thu mua 100-200 tấn lúa/ngày) - cho biết: Từ ngày 16.3, giá lúa đã nhích lên bình quân 200đ/kg. Theo đó, giá lúa IR 50404 (lúa tươi) vào khoảng 4.550-4.600đ/kg, lúa hạt dài: OM 4900, Jasmine… dao động 4.750-4.800đ/kg (tươi). Tuy nhiên, chỉ 7 ngày sau, giá lúa đã quay đầu sụt giảm. Ngày 22.3, giá lúa tại nhiều địa phương An Giang “đảo chiều” theo hướng bất lợi cho nông dân.

Tại xã Vĩnh Thành (Châu Thành), anh Nguyễn Hữu Đức (ấp Đông Phú 1) cho biết: Cùng giống lúa IR50404 và liền ranh đất, nhưng chỉ sau một ngày giá bán đã giảm 50-100đ/kg. Và từ đây, giá lúa quay đầu sụt giảm từng ngày và nông dân tiếp tục đối mặt với nạn khó bán. Đó cũng là tình trạng chung mà nhiều người trồng lúa ở ĐBSCL hứng chịu. Tại Đồng Tháp, hiện giá lúa IR 50404 đã rớt xuống 4.100-4.200đ/kg. Đáng lo hơn là giá lúa hạt dài chỉ còn 4.400đ/kg (tươi) nhưng nhiều nơi, nông dân rất khó tiêu thụ.

Còn bà Chế Thị Thưa - xã Bình Thành (huyện Thanh Bình) - đã bước sang tuổi 75, nằm giữa đồng ngủ 3 ngày nay để giữ lúa đống lúa chưa đầy 4 tấn vì bị thương lái thất hứa. “7 ngày trước, lái đến coi ruộng, đồng ý mua lúa OM 6976 với giá 4.600đ/kg tại ruộng, rồi đặt tiền cọc 200.000đ/công. Đúng hẹn, cắt lúa xong, lái hẹn tới, hẹn lui đã 3 ngày mà vẫn chưa thấy đến mua” - bà Thưa than.

Nhiều nông dân mất trắng

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ lúa, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng (từ 20.3-20.9.2014), với mức lãi suất cho vay tối đa 7%/năm, trong đó ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất với thời gian tối đa 4 tháng (từ 20.3-20.7.2014). Tuy nhiên, đến nay việc tiêu thụ lúa vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn… thụt lùi. Trái với một số thông tin có phần lạc quan… tếu, khi cho rằng sau “tạm trữ” nhiều nông dân đã được hưởng lợi, thực tế đã chứng minh ngược lại.

Vụ đông xuân 2013-2014, ông Phạm Thanh Tài (ở xã Tân Thành B, Tân Hồng, Đồng Tháp) trồng 1,4ha lúa OM 4900. Dù lúa trên ruộng được thu hoạch vào ngày 20.3, nhưng cũng như nhiều nông dân khác, ông Tài vẫn không hưởng được mặt bằng giá mới. Bởi việc mua bán lúa hiện nay được thực hiện trên ruộng, tức chủ ruộng và “cò lúa” hoàn tất thương lượng trước thời điểm thu hoạch ít nhất là 10 ngày. Vì vậy có không ít nông dân mất trắng số tiền không nhỏ. “Mỗi ký lúa tôi mất 300 đồng, tính ra 1,4ha, tôi thiệt hại trên 3 triệu đồng” - ông Tài tiếc rẻ.

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp) - ngay cả trong trường hợp bán “đúng nhịp”, nông dân cũng khó đạt được mức lãi 30% như mong muốn của Chính phủ. Bởi trên thực tế, giá lúa sụt giảm từng ngày. Còn ThS Phan Kim Sa - PGĐ Sở Công Thương Đồng Tháp - thì bức xúc: “Đến nay, các DN chỉ mới thu mua được khoảng 30% chỉ tiêu phân bổ thu mua tạm trữ, trong khi đó, đến trung tuần tháng 4.2014 là Đồng Tháp kết thúc thu hoạch vụ đông xuân”. Theo ông Sa, có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này. Bên cạnh yếu tố khách quan, như nhiều quốc gia trồng lúa trên thế giới cùng trúng mùa, lượng lúa trên toàn cầu tăng, trong khi nhu cầu nhập khẩu của các nước không tăng, các DN khó tìm hợp đồng xuất khẩu…

Ngoài ra, còn có yếu tố chủ quan do VFA thiếu phối hợp với địa phương trong việc phân bổ chỉ tiêu tạm trữ, nên xảy ra tình trạng thừa - thiếu bất hợp lý giữa các đơn vị được phân bổ. Tuy nhiên, ông Tuyên cũng lưu ý thêm: “Trong nhiều nghiên cứu của mình, Ngân hàng Thế giới đã đúc kết việc tổ chức mua “tạm trữ” như hiện nay không có tác dụng làm giá lúa tăng”.

Nhiều khả năng giá xuất khẩu gạo sẽ khó quay đầu để kéo giá lúa trong nước tăng. Bởi năm 2014, nhiều quốc gia trên thế giới cùng trúng mùa, với dự báo sản lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 5 triệu tấn thóc, nên nhu cầu nhập khẩu cũng giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đang tồn kho với số lượng lớn. Bên cạnh Thái Lan, Trung Quốc đang tồn khoảng 90 triệu tấn gạo. Vì vậy bên cạnh cạnh tranh khốc liệt về giá, chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác với việc “nhập khẩu” gạo từ các nước này. ThS Nguyễn Phước Tuyên

Lục Tùng/ Báo Lao Động

Bài viết liên quan:

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: