Việc bơm tạp chất (gelatin - thường gọi là agar) vào tôm là tệ nạn nhức nhối của ngành hàng tôm. Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhiều lần tìm mọi cách để ngăn ngừa, tiến tới việc chấm dứt tệ nạn này. Nhưng đến nay, các biện pháp này vẫn chưa thật sự hiệu quả, tệ nạn có lúc giảm bớt, lại có lúc bùng phát. Đây là do chưa nhận được sự đồng thuận, quyết liệt của các địa phương và doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu, kể cả sự cứng rắn của Bộ NN-PTNT.
Ảnh minh họa
Đáng buồn hơn, tình trạng này lại rộ lên vào cuối năm 2013, khi giá tôm tăng cao đột biến do tình trạng tôm chết nhanh gây thiệt hại tại nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc, trong khi Việt Nam đang cho thấy sự đúng hướng trong việc phòng trừ bệnh EMS nên trở thành nước cung cấp chính nguồn tôm cho các nước trong khu vực châu Á, làm giá tăng vùn vụt. Giá càng cao, con tôm càng dễ bị bơm tạp chất vì lợi nhuận.
Mới đây, tạp chí IntraFish, trang thông tin thủy sản quốc tế uy tín trong ngành đã đăng một số bài viết về việc các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam sử dụng gelatin (agar) để làm tăng trọng lượng tôm. Nhưng cách viết theo kiểu “vơ đũa cả nắm” của IntraFish phản ánh về tình trạng sử dụng tạp chất này về toàn bộ sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam là không chuẩn xác, dễ dẫn tới những suy luận không đúng về chất lượng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng tôm Việt Nam.
Theo Vasep, IntraFish không khách quan và công bằng khi lấy hiện tượng bơm agar ở một số người trong không gian nhất định để “chụp mũ” cả ngành tôm Việt Nam là không đúng về bản chất. Không ít người cho rằng, đây là hành động “cố ý gây ấn tượng xấu” cho độc giả cũng là người tiêu dùng về chất lượng tôm Việt Nam, khi Việt Nam là một trong 5 nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới với sản lượng tôm nguyên liệu 350.000 - 400.000 tấn/năm và xuất khẩu đến hơn 90 nước.
Đặc biệt, mặt hàng tôm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường hầu hết các nước tiêu thụ khó tính và kiểm soát chặt về chất lượng như Mỹ, Nhật Bản hay EU.
Nhưng qua đó cũng cho thấy, chính sự thiếu quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm của DN và địa phương nên từ việc bơm chất tạp nhỏ lẻ đã “phát triển” thành những khu “công nghiệp bơm chích” tổ chức bài bản, quy mô. Do chưa thể ngăn ngừa được tệ nạn xấu này nên đây chính là điểm yếu mà các đối thủ nước ngoài cạnh tranh với mặt hàng tôm Việt Nam dựa vào đó để cố tình bôi xấu, hạ bệ như cách cá tra Việt Nam bị bêu xấu ở nhiều nước do tốc độ phát triển quá nhanh.
Trách IntraFish vơ đũa cả nắm là đúng, phải đấu tranh, nhưng qua đó ngành tôm cũng nên tự trách mình trước khi để hiện tượng này diễn ra dai dẳng nhiều năm.
Đăng Lãm/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: