Dẫn khách đi thăm vườn cam xoàn vừa cho thu hoạch vụ trái mùa, anh Vòng Soay Dậu, xã Sông Thao (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) hào hứng giới thiệu: “Hiện tôi đang “hãm” nước tưới, ép cho cây ra đợt trái mới. Vườn cây nhìn thưa thớt vậy nhưng mỗi cây đang treo cả tạ trái. Giống cam này có vị ngọt lịm lại ráo nước nên thị trường rất chuộng.
Anh Vòng Soay Dậu đã thử nghiệm thành công làm cam nghịch vụ.
Học từ lao động
15 tuổi, anh Vòng Soay Dậu đã được giao làm chủ khu rẫy tiêu, cà phê và đất ruộng rộng hơn 3 hécta của gia đình do cha mẹ già yếu không còn sức lao động. Nhờ tính dám nghĩ dám làm, anh Dậu đã trở thành nông dân tỷ phú ở Trảng Bom. Anh Dậu kể: “Kiến thức tôi tích lũy để trở thành nông dân giỏi đều từ cách vừa học vừa làm chứ không phải qua trường lớp. Nhờ chịu đi, ham học hỏi, tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong việc tổ chức sản xuất và quản lý”.
Anh đã lặn lội đi khắp các xứ nổi tiếng về nông nghiệp, những vùng đặc sản cây ăn trái để học từ chính nông dân cách làm vườn. Sau vài năm tích lũy vốn và kinh nghiệm, năm 1995 anh quyết định cải tạo 0,7 hécta đất ruộng kém hiệu quả để lập vườn nhãn tiêu. Dấu ấn khởi nghiệp của anh là số nợ không nhỏ ở ngân hàng. Anh cho thử nghiệm để biết về chất đất, đầu tư cải tạo đất phèn phù hợp cho cây trồng sinh trưởng.
“Tôi không bao giờ để đồng vốn ‘chết” mà luôn nghĩ cách phải đầu tư cho nó sinh sôi. Trước đây khu vực này có nguồn nước suối, giờ ngày càng khô hạn. Tôi đã phải khoan cả chục giếng để đảm bảo nguồn nước tưới. Hiện toàn bộ diện tích cây trồng đều được tôi lắp hệ thống tưới nước tự động. Làm nông giỏi không chỉ ở tính cần cù mà phải luôn học để nắm vững kỹ thuật canh tác, ngay cả cách sử dụng phân, thuốc cũng phải cập nhật hàng ngày” - anh Dậu chia sẻ.
Trồng cây đặc sản
“Mỗi một chuyến đi, tôi không chỉ học về kinh nghiệm làm nông mà còn là cơ hội tìm hiểu thị trường, loại đặc sản nào mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, khi chuyển đổi đất lúa, tôi đã chọn trồng cây nhãn tiêu. Năm 2007, khi vườn nhãn kém hiệu quả, giá cả thất thường, tôi chuyển đổi sang trồng cam xoàn. Sau 3 năm, vườn cam đã cho thu hoạch. Vườn cam chỉ kém vụ bói quả do tỷ lệ trái bị sượng cao, các vụ sau liên tục được mùa, cây càng lâu năm càng sai trái” - anh Dậu nói.
Năm 2013, vườn cam của anh thu được hơn 30 tấn quả, thu về cả tỷ đồng/vụ, thương lái tìm vào tận vườn mua với giá cao. Anh cũng đã thử nghiệm thành công làm cam trái vụ giúp tăng năng suất và giá trị của loại đặc sản này. Ngoài vườn cam 7 năm tuổi đang vào độ thu hoạch sung mãn, anh đã nhân rộng thêm hàng ngàn gốc cam xoàn trồng xen canh với cây tiêu trên diện tích gần 3 hécta. Hiện vườn cam hơn 1 năm tuổi này đang sinh trưởng tốt, chờ những mùa bội thu.
Lê Quyên/ Báo Đồng Nai
Không có nhận xét nào: