Xuất khẩu gạo giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái; giá thị trường nội địa đầu quí tăng, cuối quí giảm…, là những diễn biến chính của ngành lúa gạo Việt Nam trong quí 1-2014. Tình hình thị trường gạo quí 2 sẽ như thế nào, theo nhận định của một số người trong cuộc, phụ thuộc phần lớn vào kết quả đấu thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines cũng như nhu cầu từ thị trường Trung Quốc.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh
Xuất khẩu giảm, nông dân “kẻ vui, người buồn”
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết thúc quí 1-2014, doanh nghiệp hội viên của đơn vị này đã xuất khẩu được hơn 1,2 triệu tấn gạo, giảm khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ giảm về khối lượng, giá xuất khẩu bình quân ở quí này cũng giảm khoảng 7 đô la Mỹ/tấn, tức chỉ đạt khoảng 435 đô la Mỹ/tấn so với 442 đô la Mỹ/tấn ở quí 1-2013.
Trong khi đó, nếu xét về vị trí xếp hạng trong số 4 quốc gia xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới hiện nay, gồm Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan, thì Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 3, chỉ trên Pakistan.
Trao đối với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vào sáng qua (7-4), ông Dương Văn Mến, thương nhân kinh doanh lúa gạo tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho biết giá lúa gạo nội địa tiếp tục giảm khoảng 50 đồng/kg so với ngày hôm trước (5-4).
Cụ thể, lúa IR 50404 tươi có giá 4.150-4.250 đồng/kg và 4.350-4.450 đồng/kg đối với các giống hạt dài. Gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có 6.500-6.550 đồng/kg và 6.650-6.700 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu của các giống hạt dài chế biến gạo 5% tấm.
Cụ thể, theo trang thông tin Xe.com, tính đến ngày 25-3-2014, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang tạm dẫn đầu với 2,296 triệu tấn được bán ra, tăng 11,35% so với cùng kỳ năm ngoái; Thái Lan đứng thứ 2 với 2,025 triệu tấn, tăng 32,61%; Việt Nam đứng thứ 3 với 1,006 triệu tấn, giảm 11,13% và Pakistan đứng cuối với 1,003 triệu tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải nguyên nhân xuất khẩu gạo quí 1 sụt giảm, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cho biết do giá nội địa tăng cao, trong khi giá thế giới sụt giảm mạnh. “Tình hình đó đặt doanh nghiệp vào thế khó, nếu chào bán cao thì không ai mua, còn bán thấp để được hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ lỗ”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, diễn biến giá lúa gạo thị trường nội địa trong quí đầu năm 2014 hình thành hai xu hướng khác nhau, đầu quí tăng, cuối quí giảm. Điều này, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân, dẫn đến cảnh “kẻ vui, người buồn”
Thực tế, theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại một số địa phương như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp…, giá lúa gạo nội địa liên tục tăng mạnh trong 2 tháng đầu của quí 1-2014 và đạt đỉnh khoảng 4.800-4.900 đồng/kg (lúa IR 50404, tươi) vào giữa tháng 2-2014. Theo bà con nông dân, thời điểm trên, nông dân thu hoạch lúa đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó với giá khoảng 4.700-4.900 đồng/kg, mang lại cho nông dân mức lãi có thể đạt đến 30 triệu đồng/héc ta.
Tuy nhiên, bước sang tháng 3, giá lúa gạo dịu dần và rớt xuống mức đáy khoảng 4.250-4.350 đồng/kg vào cuối tháng 3 của quí đầu năm 2014 (lúa IR 50404 tươi). Tình trạng thương lái “bẻ kèo”, hủy hợp đồng xảy ra khắp nơi ở thời điểm này. Lợi nhuận nông dân thu được cũng rất thấp, thậm chí có hộ bị lỗ, mặc dù chủ trương tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo cũng được triển khai trong thời gian này (từ 15-3 đến 30-4-2014).
Quí 2: Chờ hợp đồng Philippines và nhu cầu của Trung Quốc.
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Philippines vẫn là thị trường quan trọng cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Trong quí đầu năm 2014 Philippines đã mua đến 31% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, tăng 554% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bước sang quí 2-2014, nhận định của một số người trong cuộc, cho biết xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tiếp tục phụ thuộc và chịu ảnh hưởng bởi kết quả đấu thầu cung cấp 800.000 tấn gạo (loại 15% tấm) cho Philippines vào ngày 15-4-2014 tới.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, cho biết có được hợp đồng trên sẽ giúp đẩy nhanh việc xuất khẩu cũng tiêu thụ lúa gạo cho nông dân ở ĐBSCL, tuy nhiên, không dễ để có được hợp đồng này vì bị cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ Thái Lan. “Vấn đề chúng tôi đắn đo rất nhiều là giá bán, nếu bỏ thầu quá cao sẽ không giành được hợp đồng, còn thấp quá doanh nghiệp sẽ lỗ”, ông cho biết.
Đồng quan điểm trên, ông Tuấn của Công ty Thịnh Phát cũng cho rằng, giá bán là yếu tố quyết định thắng, bại trong cuộc đua giành quyền cung cấp gạo cho Philippines. “Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là thị trường rất quan trọng, có ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo thị trường nội địa của Việt Nam”, ông khẳng định.
Thực tế, theo thống kê của VFA, trong năm 2013, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 3 triệu tấn (gồm cả tiểu ngạch và chính ngạch). Riêng trong quí 1-2014, xuất khẩu sang thị trường này dù có giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khoảng 480.000 tấn, tương đương khoảng 40% lượng gạo được Việt Nam bán ra trong quí 1.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến cuối tháng 3-2014, doanh nghiệp hội viên của đơn vị này đã thu mua tạm trữ (15-3 đến 30-4-2014) được gần 350.000 tấn gạo, chiếm gần 35% kế hoạch.
Được biết, lần tạm trữ này Ngân hàng Nhà nước sẽ dành khoảng 8.000 tỉ đồng để thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo với lãi suất ưu đãi 7%/năm (doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 4 tháng, từ 20-3 đến 20-7-2014).
Trung Chánh/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: