Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan lo ngại rằng mậu dịch tự do theo Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) có thể làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với gạo Hommali của Thái do gạo thơm giá rẻ hơn của các nước láng giềng như Campuchia.
AEC chắc chắn sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, bao gồm tất cả các nền kinh tế trong khu vực Asean, cho phép mậu dịch tự do các hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có kỹ năng và cho phép tự do luồng vốn vào trong các nước thành viên. Các nhà xuất khẩu gạo Thái cho rằng sự hội nhập kinh tế có thể dẫn tới việc gạo thơm Campuchia tràn vào thị trường Thái Lan, và thậm chí ảnh hưởng tới lĩnh vực gạo thơm Thái Lan bởi gạo thơm Campuchia đang ngày càng phổ biến với người tiêu dùng Thái.
Không chỉ có thế, gạo Hương Nhài Campuchia còn nổi tiếng trên thị trường thế giới sau hai năm 2012 và 2013 liên tiếp được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới, điều này khiến các nhà xuất khẩu Thái Lan càng thêm lo ngại.
Cho đến nay, các nhà kinh doanh Campuchia còn thiếu kỹ năng marketing và xuất khẩu gạo. Nhưng sự ra đời của AEC sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu Campuchia tìm thấy những thị trường tốt để tiêu thụ gạo cảu họ.
Hiện gạo Hương nhài Campuchia (phka malis) có giá khoảng 890 USD/tấn, thấp hơn khoảng 6% so với gạo Hommali Thái Lan (950 USD/tấn). Gạo Hương Nhài Việt Nam giá thậm chí còn rẻ hơn, khoảng 505 USD/tấn.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA), Chookiat Ophaswongse, cho biết các nhà sản xuất gạo Thái Lan, nhất là gạo Hommali, đã trở nên kém sức cạnh tranh sau khi chính phủ liên tiếp thực hiện chương trình can thiệp giá trong 3 năm qua. Ông cho biết gạo Hommali của Thái bị giảm sút cả về chất lượng do chương trình can thiệp này, bởi việc chính phủ mua gạo của người dân với giá cao hơn thị trường khiến nông dân phớt lờ việc cải thiện chất lượng mà chỉ tập trung nâng cao năng suất để bán cho chính phủ. Ông cảnh báo nông dân nên dừng ngay việc pha trộn gạo thơm Pathum giá rẻ với gạo Hommali giá đắt hơn để bán trên thị trường với tên gọi Hommali. Chính điều này đã khiến người tiêu dùng xa lánh dần gạo Hommali Thái bởi cho rằng chất lượng gạo thơm Hom Mali đã giảm sút.
AEC được dự báo là cũng sẽ tạo thêm cơ hội cho các nhà xay xát Thái Lan chuyển hướng sang xây dựng cơ sở chế biến ở Campuchia.
Một số nguồn tin Thái Lan cho biết một số nhà máy Thái đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở ở Campuchia để tận dụng cơ hội chi phí sản xuất rẻ hơn. Thị trường gạo đầy hứa hẹn của Campuchia đã thu hút nhiều công ty nước ngoài tới đầu tư và xây dựng nhiều nhà máy xay xát gạo lớn tại đây, trong đó có Tập đoàn Taiwa Seiki của Nhật Bản, và Asia Golden Rice và CP Intertrade của Thái Lan.
Việc ngành chế biến lúa gạo còn yếu và chính sách tăng xuất khẩu gạo lên 1 triệu tấn năm 2015 của Campuchia đang hấp dẫn các nhà xuất khẩu và xay xát Thái Lan cũng như nước ngoài thâm nhập thị trường gạo Campuchia, đồng thời tăng cường mở rộng đầu tư đặc biệt là tận dụng chính sách lúa gạo của Campuchia nhằm tăng lượng gạo xuất khẩu lên 1 triệu tấn trong năm tới.
Hiện nay, Campuchia có khả năng sản xuất khoảng 9-10 tấn lúa/năm tương đương với 5 triệu tấn gạo nhưng chỉ xuất khẩu 370.000 tấn gạo trong năm 2013. Với dân số khoảng 15 triệu người, tổng mức tiêu thụ gạo của Campuchia ước đạt 2,1 triệu tấn/năm.
Ông Chookiat Ophaswongse cảnh báo "Gạo Thái Lan sẽ bị tác động mạnh mẽ nếu gạo thơm Campuchia ngày càng trở lên phổ biến với người tiêu dùng Thái Lan", và khẳng định "Điều quan trọng là Thái Lan phải nỗ lực phát triển và nâng cấp các giống lúa của mình sau khi chương trình cầm cố lúa gạo của chính phủ đã hủy hoại thị trường gạo Thái Lan suốt ba năm qua”.
Theo Vinanet/ Reuters
Không có nhận xét nào: