Chương trình tạm trữ nhằm tháo gỡ khó khăn của ngành lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhiều lần được Chính phủ giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức điều hành, phân bổ chỉ tiêu cho doanh nghiệp hội viên. Nhưng việc thực hiện chương trình tạm trữ lúa gạo năm nay dường như đang đi thụt lùi so với các năm trước.
Nông dân phơi lúa vừa thu hoạch ở ĐBSCL. Ảnh Ngọc Tùng
Cần lưu ý rằng, chương trình tạm trữ lúa gạo là một chủ trương của chính phủ nhằm nâng đỡ giá lúa và người trồng lúa, trong đó doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ lãi suất để mua lúa của nông dân sau kỳ thu hoạch với mức giá mua cao hơn giá thành sản xuất, bảo đảm cho người nông dân có lợi nhuận để bù đắp chi phí và tái đầu tư cho các vụ tới.
Cách đây hai năm, ở vụ đông xuân 2011-2012, VFA được giao điều hành mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo, đảm bảo cho nông dân có lãi ít nhất 30% (tức mức giá mà doanh nghiệp mua vào phải cao hơn giá thành sản xuất bình quân của nông dân do Bộ Tài chính công bố ít nhất 30%). Nói cụ thể, giá mua lúa gạo tạm trữ, được nhà nước hỗ trợ vốn và lãi suất, sẽ bằng giá thành sản xuất bình quân cộng với 30% là tiền công lợi nhuận và của người nông dân trồng lúa.
Thế nhưng năm nay VFA lại ban hành văn bản số 185/CV/HHLTVN ngày 20-3-2014 thông báo việc mua tạm trữ lúa, gạo hàng hóa vụ đông xuân 2013-2014, ở mục số 3 có quy định “thương nhân thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường”, có nghĩa giá thị trường lên doanh nghiệp mua lên và ngược lại.
Về việc mua tạm trữ theo “cơ chế thị trường”, ông Lê Thanh Tùng ở Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói nếu xuất khẩu tốt thì giá thị trường sẽ tăng lên, có khi còn cao hơn cả mục tiêu 30% (như mong muốn ở những lần tạm trữ trước đây). Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt với các nước láng giềng, có nhiều khả năng hơn là “giá thị trường” sẽ thấp hơn giá thành sản xuất hoặc thấp hơn giá mục tiêu “cao hơn 30% giá thành sản xuất bình quân”. Vì vậy phần rủi ro mà người nông dân phải chịu sẽ nhiều hơn.
Chẳng hạn, theo ông Tùng, trong hai tháng đầu năm 2014, khi doanh nghiệp thực hiện hợp đồng cung cấp 500.000 tấn gạo cho Philippines, giá thị trường nội địa tăng mạnh, nông dân đạt lãi khá, không cần phải tạm trữ. Ngược lại, từ đầu tháng 3 đến nay, đầu ra xuất khẩu gặp khó, giá lúa gạo thị trường nội địa xuống thấp, doanh nghiệp mua vào với giá thấp, nông dân không được lợi.
Nếu mua tạm trữ theo “cơ chế thị trường” như chỉ đạo của VFA, doanh nghiệp sẽ mua vào với giá thấp và điều đó chỉ giúp đẩy nhanh một phần tiến độ tiêu thụ lúa gạo mà không đem lại lợi ích gì đáng kể cho người trồng lúa. Làm như vậy sẽ không đạt được mục tiêu ý nghĩa mà chương trình tạm trữ của Chính phủ đặt ra.
Những lần tạm trữ trước đây, dù gây ra không ít tranh cãi trong dư luận, nhưng dù sao vẫn có cơ sở để người nông dân tin tưởng thu nhập của họ một phần được bảo đảm. Bởi theo ông Tùng, khi xác định phải bảo đảm cho nông dân có lãi ít nhất 30% thì sẽ có sự điều tiết của Chính phủ thông qua chính sách tín dụng, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định thì mới được hưởng ưu đãi về vốn và lãi suất. Còn nếu mua bán theo “cơ chế thị trường” thì doanh nghiệp cũng phải vay vốn và chịu lãi suất theo thị trường, không có ưu đãi của chương trình tạm trữ, thì mới là điều hợp lý.
Mới đây, tại hội nghị “Sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL” được tổ chức tại Cần Thơ ngày 15-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, khẳng định sẽ dành tiếp khoảng 8.000 tỉ đồng với lãi suất 7% để doanh nghiệp mua tạm trữ vụ đông xuân 2013-2014 (Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay trong bốn tháng, tính từ 20-3-2014). Doanh nghiệp nhận được lãi suất ưu đãi như vậy thì lẽ ra phải góp một phần sức lực để hỗ trợ nông dân (ở đây là đảm bảo cho nông dân có lãi ít nhất 30% như lần tạm trữ trước) mới phải. “Đằng này, họ chỉ muốn mua theo cơ chế thị trường, đặt cái lợi của họ lên hàng đầu thì rõ ràng việc rót vốn tạm trữ lần này cần xem xét lại”, một chuyên gia nông nghiệp ở ĐBSCL nói.
Liệu có cần thiết tiếp tục duy trì chương trình này hay Chính phủ phải có một giải pháp mang tính chiến lược hơn cho ngành lúa gạo?
Huỳnh Văn/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: