Tỉnh Đồng Tháp đã đặt ra nhiều mục tiêu cao trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương mình, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân khoảng 5% mỗi năm trong giai đoạn sắp tới, và nâng thu nhập của nông dân lên gấp đôi vào năm 2020 so với hiện nay.
Nông dân Đồng Tháp được mùa quýt hồng. Ảnh: Trung Chánh.
Phát biểu tại một hội thảo trình bày đề án này vào chiều ngày 3-4, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tinh thần cốt lõi của đề án không chỉ là tái cơ cấu nông nghiệp, mà tái cấu trúc cả kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển Nông nghiệp - Nông thôn, đại diện cơ quan tư vấn đã trình bày tóm tắt nội dung đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Buổi hội thảo diễn ra tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (Cần Thơ) có sự hiện diện của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và đại diện các bộ, ngành trung ương.
Với nhiều biện pháp tổng hợp, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 4,5%/năm. Con số này sẽ là 5%/năm ở giai đoạn 2016 – 2020, cao hơn bình quân chung cả nước. Muốn như vậy, phải chuyên nghiệp hóa nông dân, giảm lao động nông nghiệp khu vực nông thôn xuống còn khoảng 50% lao động xã hội, đồng thời phát triển ngành nghề, du lịch nông thôn để giải quyết việc làm lao động phi nông nghiệp.
Trên những cơ sở đó, mức thu nhập cư dân khu vực nông thôn được nâng lên gấp đôi so hiện tại và giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% mỗi năm. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản tương đương giai đoạn 2016 – 2020. Thời kỳ này được xác định là lúc phát triển nông nghiệp theo hướng “nông nghiệp xanh”, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Song song đó, kinh tế của tỉnh sẽ phát triển mạnh theo hướng thương mại, dịch vụ, du lịch nông thôn, để giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 25% tổng lao động xã hội, hoàn thiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với mục tiêu trên, Đồng Tháp định hướng phát triển năm ngành hàng chủ lực: lúa gạo, cá tra, trái xoài, chăn nuôi vịt và sản xuất hoa kiểng. Bên cạnh nhiều giải pháp thực hiện, đề án còn kiến nghị nâng mức hạn điền lên trên 3 héc ta/hộ nông dân; hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn, xây dựng cơ chế riêng cho tổ chức hợp tác xã; có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn… Đổi mới thể chế và huy động các nguồn lực quốc tế cũng là biện pháp trợ lực cho đề án thành công.
Đa phần ý kiến đại biểu các bộ, ngành trung ương đồng thuận với đề án này.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ bày tỏ sự đồng tình với đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp nêu trên. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý, đề án nên xác định mục tiêu phấn đấu tăng giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích đất sản xuất; có biện pháp phối hợp Bộ Công Thương trong nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu xã hội để tổ chức sản xuất có hiệu quả cao.
“Trong quá trình hoàn thiện dự án, Đồng Tháp cứ mạnh dạn đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện, Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ việc thực hiện đề án này - miễn là không trái luật,” Phó thủ tướng nói.
Ngọc Tùng/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: