Ông Trần Thiện Chương lên vùng cát xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) lập trang trại từ năm 2003. Trong 7 năm đầu, trang trại của ông Chương lúc nào cũng có đàn heo thịt 400 con, đàn gà 12.000 con. Thế nhưng, 4 năm trở lại đây, tình hình đã diễn ra hết sức tệ hại...
Trang trại nuôi heo của bà Nguyễn Thị Bền khá hiện đại, nhưng độ rủi ro lớn vì giá thức ăn cao, giá cả bấp bênh và dịch bệnh. Ảnh: H.Thơ
Nuôi nhỏ lỗ nhỏ, nuôi lớn lỗ lớn
Mấy chục năm nay, ông Nguyễn Thiện (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) chăn nuôi chỉ nhằm tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp chứ chưa bao giờ ông xem là nguồn thu nhập chính. Bởi, nếu tính sòng phẳng thì chăn nuôi như kiểu của ông chẳng có lời.
“Mỗi lứa tui thả 6 con heo thịt. Thuận buồm xuôi gió, sau 4 tháng sẽ xuất chuồng bán được tầm 13 triệu. Tính hết chi phí thóc, bột, thú y, giống, chẳng dư ra được đồng nào. Đó là chưa kể những lứa heo mắc dịch, phải bán tống bán tháo thì lỗ nặng. Những hộ chăn nuôi theo quy mô gia trại tình hình cũng chẳng khá hơn.
Giá thị trường liên tục biến động, giá con giống cao ngất ngưởng đã khiến nhiều trang trại ở các tỉnh miền Trung phải bỏ chuồng không, hoặc có cũng chỉ nuôi cầm chừng để duy trì... nợ(!). Trang trại chăn nuôi của vợ chồng chị Trần Thị Bền (khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được đầu tư hơn 300 triệu đồng với hệ thống chuồng trại hiện đại, hệ thống cung cấp thức ăn và nước uống kiểu mới giảm công chăm sóc và đạt được hiệu quả cao.
Tuy nhiên, đã 2 năm từ khi lập trang trại, việc mở rộng mô hình này gặp nhiều khó khăn, vì rủi ro rất cao. “Ở đây, đầu ra cho đàn heo chủ yếu bán cho thương lái, tuy nhiên những năm qua giá lợn thịt không cao lắm, chỉ khoảng 45.000 - 47.000 đồng/kg. Đặc biệt, mỗi khi xuất hiện dịch bệnh như dịch tai xanh thì giá càng giảm sút, mặc dù lợn trong trang trại không nhiễm bệnh, nhưng vẫn sẽ bị ép giá” - chị Bền nói.
“Ngoài giống, thức ăn, chúng tôi phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố đầu ra. Bởi, lâu nay chúng tôi tự nuôi, tự tìm cách tiêu thụ, chứ chẳng ai quan tâm, ngó ngàng đến vấn đề này cả. Dẫn đến điều tất yếu mà ai cũng biết là khi thiếu cung, người buôn heo tìm đến tận nơi, giá mua hết sức tử tế. Còn như bây giờ thì họ tha hồ ép giá, thậm chí heo chẳng thèm cân mà chỉ mua khoán từng chuồng, mua đếm theo con. Tính ra mỗi lứa nuôi 150 con heo lỗ đến 180 triệu đồng” - chủ trang trại heo Trần Thiện Chương nhẩm tính.
Quá nhiều rủi ro
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, liên tục, thức ăn chăn nuôi tăng, giá heo giảm mạnh đã làm cho nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. Không ít hộ đã chọn cách giảm đàn hoặc chuyển sang chăn nuôi con khác. Người chăn nuôi lợn đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi dịch bệnh tai xanh bùng phát đã khiến hàng trăm ngàn con bị bệnh, hàng chục ngàn con phải tiêu hủy. Nông dân có heo bị bệnh thiệt hại đã đành, nhưng ngay cả heo ở những vùng không bị dịch bệnh cũng bị ảnh hưởng không ít, do tâm lý e ngại khiến giá heo thịt và đầu ra giảm sút, nên nhiều người e ngại tái đầu tư hay mở rộng chăn nuôi.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đặng Ái - Phó phòng Trồng trọt chăn nuôi Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, cả tỉnh chỉ có 22 trang trại có doanh số bán ra 1 tỉ đồng/năm, còn đa số là chăn nuôi theo mô hình gia trại và nhỏ lẻ. “Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng giá thành chăn nuôi đội lên cao, không cạnh tranh được với sản phẩm nhập về từ nơi khác. Điều đó khiến người dân không có tâm lý đầu tư làm ăn lớn cũng là điều dễ hiểu” - ông Ái nói thêm.
Đăng Khoa - Hưng Thơ/ Báo Lao Động
Bài viết liên quan:
Ngành chăn nuôi Việt Nam thua trên sân nhà (bài 1): Thất bại từ trong trứng nước
Bài viết liên quan:
Ngành chăn nuôi Việt Nam thua trên sân nhà (bài 1): Thất bại từ trong trứng nước
Không có nhận xét nào: