» » Liên kết sản xuất cánh đồng lớn

Việc liên kết SX cánh đồng lớn phải có hợp đồng ký tên đồng thuận giữa DN với HTX, tránh tình trạng “bẻ kèo” như thời gian qua xảy ra ở một số tỉnh.

Thu hoạch lúa ở CĐL tại Đồng Tháp

Vừa qua, tại Đồng Tháp, Bộ NN-PTNT phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Sở NN-PTNT 13 tỉnh ĐBSCL tổ chức góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện QĐ số 62 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL).

Là Cty chuyên kinh doanh lương thực, có thâm niên 12 năm thực hiện liên kết SX, tiêu thụ nông sản, ông Lê Việt Hải, TGĐ Cty CP Mê Kông Cần Thơ cho rằng, đối tượng áp dụng của thông tư là DN, hộ gia đình, HTX, song tổ hợp tác cũng giữ vai trò quan trọng trong liên kết nhưng lại không được quy định tư cách pháp nhân, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Ông Đoàn Văn Hiền, GĐ Cty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà cho rằng, do giá gạo nội địa hiện cao hơn giá XK nên gây cho DN không ít khó khăn. Do vậy, DN nào thực hiện bao tiêu tốt cho người nông dân nên được ưu tiên về đầu ra. Cần hoàn chỉnh cơ sở vật chất cho khâu bảo quản sau thu hoạch cho HTX mới đảm bảo thu mua. Hỗ trợ DN vay vốn, ưu đãi đầu tư có thời hạn để nâng dần chuỗi giá trị lúa gạo.

Còn theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tại ĐBSCL việc liên kết SX CĐL phải có hợp đồng ký tên đồng thuận giữa DN với HTX, tránh tình trạng “bẻ kèo” như thời gian qua xảy ra ở một số tỉnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam ghi nhận các ý kiến và khẳng định sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện QĐ số 62 để triển khai thí điểm trong vụ HT này. Thứ trưởng đề nghị các DN tiếp tục thực hiện liên kết với HTX, nông dân; giao Cục Trồng trọt chủ trì mời các DNSX phân bón để trao đổi, kêu gọi tham gia vào chuỗi liên kết.

Đồng thời đề nghị Hiệp hội Lương thực VN phối hợp các Sở NN-PTNT vận động thương lái tham gia chuỗi liên kết này.

Ông Nguyễn Văn Đời, GĐ HTX nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp cho rằng, chính DN “bẻ kèo”, phá hủy hợp đồng khi thị trường tiêu thụ có biến động. Vụ ĐX 2013-2014 này, toàn bộ 1.200 ha lúa của HTX được 4 DN đăng ký bao tiêu toàn bộ. DN cam kết mua cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch 100 đồng/kg đối với giống IR50404 và 200 đồng/kg đối với giống OM6976. Tuy nhiên, khi thu hoạch có 2 trong số 4 DN “bẻ kèo”, không thực hiện theo hợp đồng đã ký.

Theo ông Đời, DN liên kết, bao tiêu sản phẩm của nông dân chủ yếu tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để tập trung xây dựng kho bãi của họ, còn chuyện bao tiêu là hên xui, thấy có lợi nhuận họ mua, ngược lại sẽ “bẻ kèo” ngay.

Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là không có quy định xử lý rõ ràng trong những trường hợp tranh chấp xảy ra. Không chỉ xảy ra chuyện “bẻ kèo” trong mua bán ở những mô hình CĐL…, cho đến nay những tiêu chí về diện tích, hay quy định tỷ lệ gạo XK chiếm bao nhiêu phần trăm/tổng lượng gạo được XK của DN vẫn chưa có sự thống nhất.

Trước một số bất cập cũng như chưa có sự thống nhất ở một số điều khoản, quy định trong CĐL, ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nhiệm vụ đặt ra cho các DN là phải định hướng được nhu cầu và đặt hàng với nông dân, dự đoán và xây dựng lòng tin với nông dân. HTX phải là cầu nối vững chắc giữa DN và nông dân, phân định trách nhiệm rõ ràng. Trong việc tổ chức thực hiện các mối liên kết này, hình thức và chính sách kèm theo phải đa dạng, phân chia hợp lý trong chuỗi giá trị.

Cần đưa ra những quy định cụ thể về trách nhiệm và xử lý trong những trường hợp xảy ra tranh chấp mua bán giữa DN và nông dân. Bên cạnh đó, cũng cần tạo dựng lòng tin giữa đôi bên, có như vậy triển khai CĐL mới thành công.

Lê Hoàng Vũ - Như Ý/ nongnghiep.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: