Nông dân ĐBSCL “được giao” trọng trách “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” qua nghề trồng lúa. Họ không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ nuôi sống cả dân tộc mà còn biến Việt Nam từ nước thiếu đói ở thập niên 80 sang một cường quốc xuất khẩu gạo từ đầu những năm 90 đến nay. Năng suất và sản lượng lúa gạo của ĐBSCL đã liên tục tăng trưởng nhanh.
Ảnh minh họa
Chỉ hơn 2 thập niên gần đây, sản lượng lúa của vùng này đã được nhân lên hơn gấp đôi, từ hơn 9 triệu tấn (năm 1990) lên gần 25 triệu tấn (năm 2013), kim ngạch xuất khẩu gạo luôn chiếm khoảng 90% cả nước. Những thành công đó không chỉ góp phần quan trọng ổn định xã hội, tạo nền tảng vững chắc phát triển nông thôn mà còn “cứu nguy” cho kinh tế đất nước ở những giai đoạn khó khăn. Xét trên bình diện chung, một cách không chủ quan, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục được đảm bảo an ninh lương thực một cách chắc chắn.
Nhưng đó là kỳ tích đã qua. Thành tích trong quá khứ, không phải là một đảm bảo chắc chắn cho thành công trong tương lai. “Vựa lúa gạo quốc gia” đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.
Thời sản xuất lúa gạo nhờ tận dụng điều kiện tự nhiên, lợi thế sẵn có, tăng sản lượng lúa bằng mọi giá cần được nhận thức lại. Thị trường lúa gạo thế giới đã và đang cạnh tranh khốc liệt. Một cách tiếp cận “làm như mọi khi” chắc chắn sẽ không hiện thực hóa được tiềm năng của ngành này. Sản xuất nhiều gạo hơn không hẳn là giải pháp cho an ninh lương thực, giúp nông dân làm giàu mà cần cách tiếp cận đa ngành; rất cần có sự phân biệt rõ ràng giữa đáp ứng cho mục tiêu chính trị - xã hội - công cộng và kinh tế - thương mại - tạo lợi nhuận hợp lý và bền vững cho người trồng lúa.
Theo công bố của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa đông xuân 2013 - 2014 ở ĐBSCL tăng bình quân 250 đồng/kg, người trồng lúa đang “chịu thiệt kép” khi xuất khẩu đang gặp khó khăn. Từ đầu tháng 3-2014, giá lúa giảm hàng tuần. Cũng cần nhận thức lại danh xưng “Vựa lúa”. Vùng này đang phải gồng mình gánh gần 9 triệu tấn lúa hàng hóa cần tiêu thụ cho nông dân. Sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL hiện nay như “cây đòn gánh”. Một đầu gánh nặng nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao; đầu kia là tiêu thụ bấp bênh, giá thấp. Người trồng lúa vừa gánh, vừa bị lắc lư trong thế dễ ngã. Đó là bức xúc nổi lên, nếu chậm được khắc phục, thì “kỳ tích lúa gạo” - thành tựu to lớn trong 30 năm đổi mới - sẽ chỉ là quá khứ.
Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cư dân nông thôn. Đề án đã vạch rõ hướng đi, đích đến, lộ trình, đi bằng phương tiện gì với các nhóm giải pháp. Nhưng thực hiện thành công hay không, nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố và điều kiện thực thi. Trong đó, nổi lên vai trò của ĐBSCL - Vùng trọng điểm nông nghiệp số 1 của cả nước.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không phải đến bây giờ mới đặt ra, nhưng cần phải thấy rõ tính bức xúc của nó trong tình hình hiện nay. “Tái cơ cấu ngành trồng lúa” bắt đầu từ đâu? Câu trả lời chắc chắn không phải là bỏ cây lúa, chọn con cá, con tôm hay cây trồng, vật nuôi nào khác theo suy nghĩ kiểu cũ - dựa vào “nguồn cung”, quên đi “hướng cầu”; mà phải bắt đầu từ “đổi mới tư duy làm nông nghiệp”. Tái cơ cấu ở vùng trọng điểm lúa số 1 của cả nước cần được bắt đầu từ chính những yếu kém nội tại và tận dụng lợi thế của vùng này trước thách thức cạnh tranh nông nghiệp ngày càng gay gắt, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hơn cả tái cơ cấu, phải là cuộc lột xác thật sự. Nó phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn. Nó phải là quá trình hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo và xây dựng nông thôn mới, giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL vượt qua thách thức, trở thành “doanh nhân nông nghiệp”, làm giàu được bằng nghề nông.
Khó có thể có “cuộc chuyển đổi lớn” mang tính cải cách mạnh mẽ, trong khi vẫn còn đó những “cản trở” về chính sách đất đai, thiếu khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn, mô hình tổ chức sản xuất - kinh doanh lương thực… Không thể lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật có tính đối phó ngắn hạn. Việc “chuyển đổi” là cần thiết, nhưng phải trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch, phân công, phân vai trong liên kết vùng, tạo giống mới cạnh tranh, mô hình tổ chức sản xuất và kinh doanh phù hợp hơn hiện nay. Nó rất cần tư duy mới về hoạch định cơ chế, chính sách nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất. Cái gì Nhà nước làm, cái gì doanh nghiệp làm và thị trường điều tiết, cần chính sách tác động vào. Việc thực hiện phải được tiến hành theo cả 3 trụ cột phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường; vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng phải giải quyết các vấn đề xã hội là tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.
Nông dân ĐBSCL cần được giải phóng bằng kiến thức của nhà kinh doanh. Họ phải được đào tạo nghề, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực; mở rộng các ngành nghề phi nông nghiệp. Đó là cách thức giúp nông dân không chỉ đứng vững trên đồng ruộng, mà còn có thể làm giàu từ làng quê của mình.
Trần Hữu Hiệp/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: