Chuyện thương lái ngoại tràn vào thị trường nước ta thu gom, vơ vét nông sản, tranh mua, tranh bán với các doanh nghiệp nội địa và ép giá bà con nông dân đã diễn ra từ nhiều năm nay. Sau khi dư luận liên tục lên tiếng bày tỏ lo lắng, đến giữa năm 2013, các cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Công thương mới soạn thảo và đưa ra được quy định về quản lý thương lái ngoại, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thu mua nông sản tại Việt Nam để hạn chế tình trạng trên.
Ảnh minh họa
Thế nhưng kể từ đó đến nay, ở nhiều nơi vẫn cứ rộ lên những thông tin thương lái ngoại, doanh nghiệp nước ngoài về tận địa bàn tổ chức hoặc núp bóng thu mua nông sản theo kiểu tận thu, tìm cách lách luật như đóng giả khách du lịch, trực tiếp thu mua nông sản nhưng không đứng tên mà mượn tên của thương lái nội.
Thậm chí có những thương lái ngoại, doanh nghiệp nước ngoài không hiện diện mà chỉ giao dịch qua điện thoại và cũng không hề có chứng nhận đăng ký kinh doanh ở Việt Nam, không có hợp đồng mua bán hợp pháp với người nông dân hoặc doanh nghiệp nội… Nguy hiểm hơn, họ không chỉ mua những loại nông sản, thủy sản, trái cây thông thường như dưa, vải thiều, tôm nguyên liệu… mà còn ra sức thu gom vơ vét cả những mặt hàng nông sản một cách bất thường.
Trong số đó có thể kể đến các loại dứa non, lá điều non, lá vải thiều non, lá khoai lang, thảo quả non, đỉa, ốc bươu vàng, lông gia cầm, móng trâu - bò… cùng hàng chục mặt hàng khác.
Công bằng mà nói, thực tế vẫn có rất nhiều thương nhân nước ngoài vào Việt Nam đầu tư với mục đích tốt, làm ăn giao thương chân chính và có đăng ký hợp pháp, mua bán nông sản theo hợp đồng cụ thể. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc có tình trạng thương lái nước ngoài kéo vào làm ăn với mục đích gây cơn sốt về một vài mặt hàng “lạ” để người dân đổ xô vào trồng hoặc nuôi, nhưng khi sản lượng tăng thì họ ép giá để thu mua với giá rẻ mạt hoặc bỏ rơi nông dân vì mục đích phá hoại. Trên thực tế, nông dân của chúng ta đã từng gặp nhiều bài học cay đắng như thế.
Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để kiểm soát và ngăn chặn những thương nhân nước ngoài vào làm ăn với mục đích xấu? Mặc dù mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời các đại biểu tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng tình hình đã được kiểm soát, không có chuyện này, chuyện kia nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn kêu thiếu nguyên liệu do bị thương nhân nước ngoài tận thu, tranh mua, tranh bán; nông dân vẫn đổ xô nuôi, trồng và thu hoạch những sản phẩm “lạ”.
Và nếu cứ duy trì cách quản lý, kiểm soát lỏng lẻo, chậm chạp như hiện nay thì liệu có tránh được tình trạng thương lái ngoại tiếp tục vào gây khó khăn, thao túng thị trường nông sản ở nước ta trong thời gian tới?
Vấn đề đặt ra là cần phải có vai trò điều tiết và quản lý thị trường của Bộ Công thương một cách chặt chẽ, nhịp nhàng và vai trò điều tiết nguồn cung lẫn sản xuất của Bộ NN-PTNT. Trong đó, Bộ NN-PTNT có trách nhiệm định hướng (hoặc chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo) người nông dân nên trồng cây gì, không nên nuôi con gì, không nên vì giá cao mà đổ xô vào một mặt hàng nông sản cụ thể, không thu hoạch nông sản trái quy trình một cách bất thường…
Nếu định hướng và quy hoạch tốt khâu sản xuất thì không chỉ ngăn chặn được tình trạng nông dân chạy theo thương lái ngoại, bị thương lái ngoại thao túng ngay trong thị trường nội địa, mà còn hạn chế đáng kể tình trạng nông sản xuất khẩu đổ dồn vào một thị trường, dẫn đến cảnh ách tắc, ùn ứ và cuối cùng cũng bị thương lái nước ngoài ép giá, kiếm lời dễ dàng. Một khi cơ quan quản lý nhà nước không có khuyến cáo, định hướng ngay từ đầu, người nông dân vẫn bơ vơ chạy theo thị trường, chìm nổi cùng giá cả.
Thế nhưng thực tế hiện nay vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn rất mờ nhạt. Luật vẫn còn nhiều kẽ hở và khó thực hiện trong thực tiễn. Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh hội nhập, việc giao thương nông sản giữa Việt Nam và các nước là hoạt động hết sức bình thường. Việc xuất nhập khẩu nông sản cũng phải tuân theo quy luật cung cầu, giá cả thị trường.
Tuy nhiên, để việc tiêu thụ nông sản được ổn định, bền vững và có thể chủ động kiểm soát để bảo vệ quyền lợi của nông dân, cần phải có chính sách pháp luật rõ ràng nhằm giúp cho việc tổ chức thu mua và tiêu thụ nông sản của bà con nông dân được thuận lợi theo đúng quy định của luật pháp và bảo vệ quyền lợi cho thương nhân và nông dân; đồng thời để đấu tranh với hoạt động thu mua nông sản mang tính phá hoại, hoặc mang tính đầu cơ trục lợi, hoặc bất thường.
Văn Phúc/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: