» » » Hợp đồng tiêu thụ lúa với nông dân: Không có lợi là "bỏ chạy"

Khi giá lúa xuống thấp hơn giá sàn đã ký hoặc thị trường XK gặp bất lợi thì DN tìm cách làm khó dễ nông dân để không thu mua, thậm chí là “lặn mất tăm” để nông dân tự bơi.

Thiếu chế tài xử phạt đang là lỗ hổng lớn trong chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nông sản qua hợp đồng hiện nay

Mặc dù chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng đã có hiệu lực cả chục năm nay (Quyết định 80/2002/QĐ-TTg) nhưng số lượng lúa được ký kết hợp đồng bao tiêu hàng năm ở ĐBSCL còn rất hạn chế. Thậm chí ngay cả những diện tích đã có hợp đồng hẳn hoi cũng “đầu voi đuôi chuột”, không tiêu thụ được do bị “bẻ kèo” nhưng lại thiếu chế tài xử phạt.

Hình thức thu mua hiện đại

Vụ lúa ĐX 2013-2014, nhiều hộ nông dân ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ lần đầu tiên được tham gia vào chuỗi SX kinh doanh lúa gạo do Cty CP BVTV An Giang đầu tư thực hiện. Đây được xem là mô hình liên kết giữa DN và nông dân để tiêu thụ lúa gạo hiện đại nhất khu vực ĐBSCL hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Thể, nông dân ấp B1, xã Thạnh Thắng vừa thu hoạch 2 ha lúa Jasmine 85 làm theo quy trình của Cty với năng suất rất cao, hơn 10 tấn lúa tươi/ha. Không riêng gì ông Thể mà nhiều bà con trong ấp B1 tham gia mô hình này đều trúng mùa. Theo ông Thể, tham gia mô hình của Cty CP BVTV An Giang nông dân rất an tâm do được hỗ trợ một phần chi phí và được cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến thăm đồng, tư vấn phòng trừ sâu, bệnh.

Cụ thể, sau khi HTX đại diện cho nông dân ký hợp đồng liên kết SX, Cty sẽ cung cấp lúa giống và cho cán bộ đến hướng dẫn kỹ thuật. “Khi có sâu bệnh, phía Cty sẽ đưa ra loại thuốc do mình phân phối và tư vấn cho nông dân cách sử dụng. Tuy nhiên, nông dân thấy hợp lý thì lấy, không thì mua thuốc khác ngoài đại lý về sử dụng cũng được, chứ Cty không ép phải mua. Cái lợi là mua thuốc của Cty được chịu đến cuối vụ, còn mua ở ngoài thì phải tiền tươi thóc thật, không thì phải chịu lãi”, ông Thể nói về quy trình liên kết.

Khi đến thời kỳ thu hoạch, cán bộ kỹ thuật của Cty sẽ thống nhất với nông dân ngày để đưa máy cắt xuống đồng, cho nông dân mượn bao đựng lúa và có ghe chờ sẵn để chở về nhà máy sấy và nhập kho. Nông dân chỉ tốn tiền thuê máy cắt, còn lại tất cả các khâu đều được miễn phí. Sướng nhất là đến ngày thu hoạch nông dân không phải động tay động chân, chỉ cần theo ghe về nhà máy (nếu tin tưởng thì để chủ ghe đi một mình, rồi chạy xe máy đến kho của Cty cho đỡ mất thời gian) theo dõi đo độ ẩm, ghi số lượng cân xong là có thể nhận tiền ra về.

Ông Thể cho biết: “Mấy chục năm gắn bó với cây lúa nhưng đây là lần đầu tiên gia đình có một vụ thu hoạch lúa khỏe như vậy, không phải chạy đôn chạy đáo để thuê máy cắt, tìm chỗ phơi sấy, thương lái để bán… Mọi năm vào mùa thu hoạch là cả nhà cứ chạy bở hơi tai, nhanh cũng phải mất cả tuần mới xong”. Được tham gia mô hình này nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, điều mà nhiều nông dân băn khăn là cách tính độ ẩm của lúa tươi.

Theo ông Thể, giống lúa Jasmine 85 được Cty tính độ ẩm khi khô (sau khi sấy) là 15%. Trước khi cân đưa vào lò sấy, cán bộ của Cty sẽ lấy mẫu ở 5 vị trí trên ghe (4 góc và chính giữa ghe) sau đó trộn đều và cho vào máy đo độ ẩm. Từ độ ẩm thực tế Cty sẽ tính toán ra số lượng lúa khô và chốt giá thu mua với nông dân.

Ông Thể băn khoăn: “Lúa của tôi được đo độ ẩm là 30,4%, nhưng cũng giống lúa này, cũng cùng quy trình SX nhưng lúa của mấy người thân khác trong gia đình lại chênh lệnh đến 1-2%. Với số lượng lên đến vài chục tấn, chỉ cần chênh lệch 1-2% là sẽ chênh nhau vài chục giạ lúa, tức là mất đi số tiền không nhỏ với nông dân”.

Nông dân Tân Hiệp (Kiên Giang) phải bán lúa cho thương lái bên ngoài do DN ký hợp đồng nhưng không triển khai thu mua

Ngoài băn khăn về cách đo độ ẩm, nông dân cũng cảm thấy chưa hài lòng khi giá thu mua lúa của Cty thường thấp hơn giá của thương lái bên ngoài từ 150-200 đ/kg. Cụ thể, lúa Jasmine 85 hiện Cty đang chốt giá thu mua với nông dân là 5.900 đ/kg (lúa khô), trong khi giá thương lái thu mua hiện nay là 6.100 – 6.150 đ/kg. Đây chính là lý do khiến một số nông dân “bẻ kèo”, bán lúa ra bên ngoài.

“Bẻ kèo” vì lợi trước mắt

Hợp đồng tiêu thụ lúa ở ĐBSCL thường bị “bể” khi giá lúa ngoài thị trường có biến động mạnh. Nếu giá tăng lên mà giá của các Cty không được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chậm là nông dân sẵn sàng bán lúa ra bên ngoài. Ngược lại, khi giá lúa xuống thấp hơn giá sàn đã ký hoặc thị trường XK gặp bất lợi thì DN lại tìm cách làm khó dễ nông dân để không thu mua, thậm chí là “lặn mất tăm” để nông dân tự bơi. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có bất cứ một chế tài nào để xử phạt nếu DN hay nông dân “bẻ kèo” làm vỡ hợp đồng.

Ông Đỗ Anh Tuấn, nông dân ấp kênh 5B, xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang cho biết, toàn ấp vụ ĐX này có khoảng 250 ha làm theo hợp đồng với Cty CP BVTV An Giang. Lúa vừa thu hoạch xong, nhưng do giá của Cty thu mua thấp hơn giá thị trường nên đã có một số nông dân bán lúa ra bên ngoài. “Ngoài vấn đề giá cả, nông dân còn ngại phải chờ ở kho Cty do vào vụ thu hoạch rộ, lượng lúa dồn về nhiều nên lò sấy bị quá tải. Nếu nông dân xù hợp đồng quá nhiều (khoảng 50%) thì phía Cty sẽ ngưng không ký hợp đồng liên kết ở các vụ tiếp theo, phải đền tiền đã đầu tư”, ông Tuấn cho biết.

Trái với Cty CP BVTV An Giang bị nông dân “bẻ kèo” thì ngược lại nhiều nông dân ở Kiên Giang lại bị vỡ mộng khi DN đăng ký bao tiêu nhưng không thu mua. Ông Lê Văn Mạnh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hiệp cho biết, vụ ĐX này toàn huyện có đến 7 DN tham gia bao tiêu lúa cho nông dân, với tổng diện tích đăng ký ban đầu là 6.900 ha. Và thực tế diện tích đã ký hợp đồng là 6.040 ha. Thế nhưng hiện nay đã gần hết vụ (toàn huyện đã thu hoạch 32.000/36.000 ha gieo sạ) mới chỉ có 1.200 ha được bao tiêu. Như vậy, số lượng thực tế được bao tiêu mới chỉ bằng số lẻ trong tổng sản lượng hơn 48.000 tấn lúa thương phẩm mà DN đã ký hợp đồng với nông dân.

Theo ông Mạnh, hợp đồng bị bể là do DN muốn mua lúa khô để nhập kho luôn vì thiếu phương tiện vận chuyển, lò sấy… còn nông dân lại muốn bán lúa tươi tại ruộng. Nhưng đây chỉ là cái cớ đưa ra để “bẻ kèo”, nguyên nhân sâu xa chính là giá lúa bị sụt giảm mạnh, cộng với thị trường XK đang gặp khó nên DN không muốn mua vào vì sợ lỗ.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT Kiên Giang, vụ lúa ĐX 2013-2014, toàn tỉnh có 9 DN đăng ký ký kết hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân, với tổng diện tích gần 15.000 ha, sản lượng dự kiến lên đến 100.000 tấn. Đó là con số đăng ký, còn con số thực tế chính thức được ký hợp đồng đã “teo tóp” lại chỉ còn 9.570 ha. Nhưng nếu toàn bộ diện tích này đều được bao tiêu thì đã là mừng cho nông dân. Vì ngay cả khi đã có hợp đồng trong tay thì nông dân cũng chưa chắc đã bán được lúa cho DN do không có chế tài ràng buộc.

Ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho rằng, thiếu chế tài xử phạt là lỗ hổng lớn trong chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng hiện nay. Vì vậy, Nhà nước cần có chế tài để ràng buộc DN XK lúa gạo phải xây dựng vùng nguyên liệu tương ứng với năng lực XK của mình, từ đó buộc họ phải gắn kết với nông dân. Khi đã ký kết hợp đồng mà không thực hiện thì cũng cần xử phạt, tránh tình trạnh khi giá lúa bất lợi thì DN không tiến hành thu mua, ngược lại khi giá tốt thì nông dân lại “bẻo kèo” bán cho thương lái bên ngoài như hiện nay.

Đ.T.Chánh/ nongnghiep.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: