Chất lượng lúa thấp do các giống lúa không có tính đột phá, đặc biệt trong quá trình tổ chức thu mua, thương lái trộn lẫn các loại lúa với nhau.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát giải trình tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vào ngày 8/4, tờ Dân Việt đưa tin.
Khó có thương hiệu
Cụ thể, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện nay Việt Nam đã có 102 giống lúa nhưng chất lượng gạo xuất khẩu vẫn không được nâng lên, do bản thân các giống đó không có đột phá, đáng chú ý là trong quá trình tổ chức thu mua, thương lái trộn lẫn các loại lúa với nhau nên dẫn tới chất lượng thấp, giá bán không cao, khó cạnh tranh.
“Trong giai đoạn tới, chúng ta cần tập trung nghiên cứu các loại giống, ít thôi, có thể chỉ 5-7 loại giống, nhưng chất lượng và giá trị thương mại phải cao. Không thể có thương hiệu khi trong một bao gạo mà có tới 5-10 loại giống. Hy vọng trong 5 năm tới, việc này sẽ có sự chuyển biến rõ hơn”, Bộ trưởng Phát nói.
Bộ trưởng Phát cũng cho biết thêm: “Trong 5 năm qua (2008 - 2013), tổng kinh phí đầu tư cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của bộ là gần 4.000 tỷ đồng, trong đó cho nhiệm vụ nghiên cứu là hơn 2.673 tỷ đồng.
Chất lượng lúa thấp do các giống lúa không có tính đột phá, đặc biệt trong quá trình tổ chức thu mua, thương lái trộn lẫn các loại lúa với nhau.
Tuy nhiên, trong 5 năm qua cũng chỉ có hơn 1.000 giống cây trồng, vật nuôi và các loại tiến bộ kỹ thuật được công nhận, đưa vào sản xuất. Điều đó cho thấy, nghiên cứu khoa học nông nghiệp nói chung và nghiên cứu giống nói riêng vẫn ở tình trạng không có hiệu quả. Đề tài đăng ký thì nhiều, nhưng đề tài có tính ứng dụng thực tiễn rất ít”.
Mặc dù như Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thông tin Việt Nam có tới 102 giống lúa nhưng theo thống kê, giống lúa cùng với phân bón, thuốc trừ sâu của Việt Nam đều nhập từ 50-70% từ Trung Quốc.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp đã từng lý giải nguyên nhân do giống lúa việt Nam do các viện làm ra nhưng quảng cáo không mạnh bằng những công ty nhập giống của Trung Quốc. Ngoài ra, giống lúa Trung Quốc cũng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, khuyến khích dân mua giống lúa đó.
GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội giống cây trồng Việt Nam nhắc lại dự án phát triển giống lúa lai được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn thực hiện từ năm 2003 với sự nuối tiếc và vô cùng bức xúc: “Đầu tư dự án 338 tỉ đồng mà hiện nay giống lúa lai vẫn nhập khẩu trên 70%, trong khi đó Bộ trưởng đã hứa trước Quốc hội là sẽ tự túc hơn 70%”.
Gạo Việt thua kém Campuchia?
Không những thế, thời gian vừa qua còn có nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ các nước xuất khẩu gạo truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ và các nước xuất khẩu gạo mới nổi trong đó có Campuchia.
Vừa qua, Campuchia cho biết sẽ tấn công vào thị trường Mỹ và Hàn Quốc trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ quẩn quanh với thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực. Song ở những thị trường như Malaysia, Philippines và Indonesia cũng giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị.
Gạo Campuchia sẽ tấn công vào thị trường Mỹ, Hàn Quốc trong khi gạo Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào Trung Quốc, một vài nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia và các nước Châu Phi
Từng trao đổi với báo Đất Việt, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về nông nghiệp cho biết, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam phải thấy đây là thách thức rất lớn.
Campuchia hiện nay đã đi vào quy hoạch vùng nguyên liệu và có nhà máy để sản xuất gạo có chất lượng tốt và Cục xúc tiến thương mại của Campuchia đã giúp 8 công ty xuất khẩu gạo tham dự hội chợ ở Thái Lan mà trong hội chợ, Việt Nam hoàn toàn vắng bóng.
"Gạo Capuchia được thế giới chú ý thông qua hội chợ đó và tôi thấy rõ ràng khách hàng đến rất đông để ký hợp đồng. Những công ty xuất khẩu chỉ vài chục ngàn tấn chứ không lên đến hàng trăm ngàn tấn như Việt Nam, tức là họ làm nhỏ nhưng làm có chất lượng và là những sản phẩm có thương hiệu", GS Võ Tòng Xuân nói.
Các doanh nghiệp không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu mà chỉ mua lúa thông qua thương lái thì không thể xây dựng thương hiệu được. Cục xúc tiến thương mại lại không có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cuối cùng không giúp được doanh nghiệp nào đi triển lãm được.
"Không có thương hiệu sẽ là thách thức lớn đối với gạo Việt Nam", GS Võ Tòng Xuân khẳng định.
Hà Anh/ Báo Đất Việt
Không có nhận xét nào: