Trong quý 1, Hà Nội đã định vị được thêm 500ha rau an toàn để tập trung quản lý, chỉ đạo, nâng tổng diện tích rau an toàn lên 5.000ha.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Để xây dựng thương hiệu cho các vùng rau an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang tiếp tục rà soát, định vị các vùng sản xuất rau an toàn tập trung để quản lý, giám sát và cấp giấy chứng nhận đảm bảo các vùng rau an toàn này đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết Hà Nội đã đưa vào hoạt động các trạm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm cây trồng để phục vụ công tác quản lý chất lượng rau an toàn; đồng thời cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế kinh doanh rau an toàn cũng như lấy mẫu rau phân tích để kiểm tra chất lượng rau.
Hiện nay, Hà Nội đã cấp tem dán có mã số cho 31 cơ sở sản xuất rau an toàn nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng như bảo vệ thương hiệu, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với các vùng trồng rau an toàn.
Tại các vùng sản xuất rau an toàn, nông dân được đào tạo, huấn luyện về sản xuất rau an toàn thông qua nhiều hình thức như lớp huấn luyện IPM (kéo dài 1 vụ sản xuất), lớp tập huấn ngắn hạn nhằm nâng cao kỹ thuật sản xuất rau an toàn, lớp đào tạo sản xuất rau an toàn theo VietGAP…
Ở các vùng sản xuất tập trung, nông dân được thử nghiệm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả vào sản xuất rau an toàn.
Thành phố đã hướng dẫn, giám sát và cấp giấy chứng nhận cho 18 vùng sản xuất rau an toàn theo VietGap với tổng diện tích trên 150ha; duy trì quản lý 11 nhóm sản xuất hữu cơ, với diện tích khoảng 12ha tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.
Các địa phương đã xây dựng 4 cơ sở sơ chế rau an toàn gắn với vùng rau an toàn tập trung có công suất lớn từ 2-5 tấn/ngày tại các xã Văn Đức-Gia Lâm; xã Yên Mỹ, Duyên Hà-Thanh Trì; xã Thanh Đa-Phúc Thọ…
Các dự án vùng rau an toàn tập trung khác đã dược phê duyệt đều có hạng mục nhà sơ chế. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 36 cơ sở sơ chế nhỏ của các hợp tác xã, doanh nghiệp đang hoạt động, công suất trung bình từ 200-1.000 kg/cơ sở/ngày…
Các cơ sở sơ chế rau an toàn đều được quản lý chặt chẽ theo quy định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế rau…
Đến hết quý 1, Hà Nội đã mở được hơn 80 cửa hàng bán rau an toàn có đầy đủ điều kiện theo quy định, sản lượng tiêu thụ trung bình từ 50-120 kg/cửa hàng/ngày. Bên cạnh đó, có khoảng 180 điểm bán của các siêu thị có kinh doanh rau an toàn./
P.A (TTXVN/ Vietnam+)
Không có nhận xét nào: