Dự trữ ở các nước sản xuất lúa gạo đã vượt nhu cầu. TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn- đã trao đổi và cho rằng: “Trước mắt, Việt Nam phải điều chỉnh lại cung sản xuất lúa để có thể làm chủ tình hình”.
Về lâu dài, Việt Nam phải mở rộng thị trường, tiến vào những phân khúc, những khách hàng mới.
Xuất khẩu gạo đang chững lại, ông nhận xét thế nào về tình hình thị trường hiện nay?
- Sau khủng hoảng lương thực năm 2008, các nước nhập khẩu lương thực đều có xu hướng tự cung, tự cấp. Họ đầu tư rất nhiều vào sản xuất lúa gạo, chấp nhận trợ cấp, bảo vệ nông dân của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà nước chịu thiệt đối với các thành phần khác để ủng hộ nông dân.
Kết quả của tình trạng đó làm cho cung trên thế giới vượt quá cầu, kho dự trữ lúa gạo trên thế giới tăng rất nhanh, giá gạo giảm. Những nước trước đây nhập gạo, năm nay đã dần tự túc, Trung Quốc là một ví dụ.
Những nước sản xuất lúa gạo như Thái Lan, dự trữ đã vượt mức nhu cầu. Đây không phải là một xu hướng hay trong quá trình toàn cầu hóa, nó làm tất cả các nước đều thiệt hại, cho nên giá gạo xuống là chuyện dễ hiểu.
Với Việt Nam, tôi nghĩ, trước mắt phải điều chỉnh lại cung sản xuất lúa để có thể làm chủ tình hình, nhưng về lâu dài là phải mở rộng thị trường, tiến vào những phân khúc, những khách hàng mà chúng ta chưa với tới, đó mới là hướng đi tốt nhất.
Khả năng nâng cao giá trị gia tăng hiện nay có ở hầu hết các ngành nông nghiệp, kể cả lúa gạo.
Trước đây, một số doanh nghiệp không kinh doanh gạo nhưng bây giờ lại chuyển sang kinh doanh gạo, ông đánh giá hiện tượng này thế nào?
- Tôi nghĩ đây là tín hiệu tốt, một xu hướng đúng. Vì xét trên tổng thể, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là nông nghiệp, nhưng trong thời gian qua, các chính sách định hướng tài nguyên trên thị trường không dựa trên lợi thế.
Chúng ta đã phát triển quá nóng một số lĩnh vực mà Việt Nam không có lợi thế, làm rất nhiều xi măng, sắt thép, đóng tàu… những lĩnh vực gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường và không đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội. Từ hôm nay, chúng ta phải chấm dứt cách đi cũ.
Khả năng nâng cao giá trị gia tăng hiện nay có ở hầu hết các ngành nông nghiệp, kể cả ngành lúa gạo. Chúng ta giảm bớt diện tích lúa gạo để chuyển sang trồng các cây trồng khác không có nghĩa là sản xuất lúa gạo không đem lại hiệu quả.
Ông có thể nói rõ hơn về sự chuyển đổi này?
- Ngay bản thân trong sản xuất lúa gạo, nếu thay đổi cơ cấu giống, thay đổi kỹ thuật sản xuất, làm tốt công tác phát triển thị trường, làm tốt câu chuyện thương hiệu, chất lượng thì thị trường vẫn còn rộng mở.
Hiện nay, có 30% người dân Việt Nam sống ở đô thị, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ là 40-50%, người dân sẽ ăn ít gạo hơn và chuyển sang dùng gạo thơm. Đây cũng là mảng thị trường lớn tương lai.
Lúa gạo Việt Nam cũng có thể mở ra thị trường thực phẩm chức năng. Hiện nay, công nghệ đã cho phép sản xuất gạo có hàm lượng đạm cao, gạo có hàm lượng vitamin A cao, chúng ta hoàn toàn có thể tiến vào lĩnh vực này.
Hàng năm, người dân sử dụng một lượng lớn bánh đa, bún, nhưng chủ yếu là chế biến thủ công, năng xuất thấp, chất lượng không đảm bảo. Nếu tất cả những cái đó chuyển sang chế biến sâu, tôi nghĩ chất lượng giá trị gia tăng của gạo còn tăng lên rất nhiều.
Hiện chỉ có chưa đến 1% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp, nếu tỷ lệ đấy tăng gấp 10 lần, tình hình sẽ khác. Tôi nghĩ, với công nghệ cao, khả năng đầu tư sâu và quản lý của các tập đoàn xuyên quốc gia, các doanh nghiệp lớn, có thể thay đổi tình hình của ngành lúa gạo, biến nó thành một ngành sản xuất khác.
Chúng ta không những có cơ hội xây dựng một nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao mà còn đưa hàng hóa của chúng ta vào chuỗi giá trị toàn cầu với thương hiệu Việt Nam. Đây là lúc để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào một ngành sản xuất lúa gạo hiện đại.
Như ông nói, Việt Nam cần mở rộng thị trường, tiến vào những phân khúc, những khách hàng mới. Theo ông, đó là những phân khúc, thị trường nào?
- Một thị trường tốt cho lúa gạo Việt Nam là Trung Quốc. Nhu cầu về gạo Japonica của Trung Quốc đang tăng cao. Loại gạo này cũng được tiêu thụ cả ở Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác nữa.
Tôi nghĩ, nếu Việt Nam đầu tư trồng giống lúa này gắn với hoạt động phát triển thị trường, sẽ phát triển tốt. Với loại gạo thơm, triển vọng thị trường cũng rất rộng mở. Tầng lớp trung lưu và tầng lớp thị dân tăng lên ở các nước trong khu vực và các nước đang nhập gạo của Việt Nam, xu hướng nhập gạo chất lượng cao sẽ tăng lên.
Cảm ơn ông!
Hải Vân/ Báo Công Thương (thực hiện)
Không có nhận xét nào: