Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố sơ bộ thuế chống bán phá giá (CBPG) đợt xem xét hành chính lần 8 (POR8, giai đoạn xuất hàng từ ngày 1-2-2012 đến 31-1-2013) với kết quả rất bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Tôm xuất khẩu của Việt Nam đang gặp bất lợi do bị áp thuế chống bán phá giá. Ảnh: Tuệ Doanh
Cuộc chơi tiền tỉ
Với giá trị xuất khẩu của cả năm 2013 đạt 185,4 triệu đô la, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú. Chiếm thị phần cao, doanh nghiệp này luôn là bị đơn bắt buộc của DOC trong các đợt xem xét hành chính CBPG tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Năm 2008, Minh Phú đã góp 90% vốn lập ra công ty con Mseafood (Mỹ) để giải quyết vấn đề liên quan đến thuế CBPG.
Theo Luật CBPG của Mỹ, Mseafood phải tạm nộp thuế CBPG với mức thuế suất do DOC quy định. Sau đó, thuế CBPG sẽ được quyết toán và thanh toán dựa theo quyết định hàng năm của DOC. Theo báo cáo thường niên năm 2013 của Minh Phú, đến cuối năm 2013, số thuế CBPG mà doanh nghiệp này tạm nộp cho phía Mỹ là 72 tỉ đồng trong khi năm 2012 lên đến 112 tỉ đồng. Việc giảm này là do sự khác nhau về thuế suất ở mỗi đợt xem xét hành chính.
Trong ba năm trở lại đây, sau mỗi đợt rà soát, mức thuế dành cho Minh Phú ngày càng khả quan. Trong POR6, mức thuế dành cho Minh Phú khá “dễ chịu”, chỉ 0,53%. Trong POR7, thậm chí về 0%. Nếu tiếp tục hưởng thuế suất 0% trong đợt xem xét sau, có khả năng Minh Phú sẽ được vĩnh viễn “thoát” thuế CBPG.
Tuy nhiên, kết quả sơ bộ của POR8 mới đây lại làm cho các doanh nghiệp phải lo ngại khi mức thuế tạm thời đối với hai bị đơn bắt buộc, Công ty cổ phần Minh Phú và Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng lần lượt là 4,98% và 9,75%. Thuế suất này trong tương quan với doanh thu xuất khẩu của Minh Phú vào thị trường Mỹ sẽ ra một khoản “ký quỹ” khá lớn trên tổng tài sản ngắn hạn của công ty. Chưa kể số tiền tỉ mà doanh nghiệp đã bỏ ra để trả cho luật sư đại diện để cung cấp thông tin và tranh luận với DOC trong suốt các đợt xem xét hành chính vừa qua.
Trong khi các doanh nghiệp còn đang phải bối rối với POR8, họ vẫn phải tiếp tục với POR9, tức đợt xem xét hành chính tương ứng với giai đoạn xuất hàng trong năm 2014.
Để chuẩn bị cho POR9, 30 doanh nghiệp xuất khẩu tôm là hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tham gia cung cấp thông tin cho DOC sẽ cùng bỏ ra mỗi doanh nghiệp từ 11.000-15.000 đô la Mỹ cho các luật sư, tương đương mức họ đã bỏ ra trong năm 2013, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep.
Phải lượng sức mình
Tại cuộc họp do Vasep tổ chức tuần rồi giữa các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ít ngày sau khi có thông tin về thuế CBPG tôm xuất khẩu đi Mỹ, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Công ty Nha Trang Seafoods, đơn vị từng là bị đơn bắt buộc trong rất nhiều kỳ xem xét hành chính, chia sẻ: bên cạnh chi phí, có rất nhiều thứ khác phải lo. Ông nói: “Doanh nghiệp nào xem xét thấy nội lực mình không đủ để theo đuổi thì tốt nhất nên rút lui”.
Lý giải những vấn đề phức tạp doanh nghiệp cần cân nhắc khi tham gia, luật sư Đinh Ánh Tuyết, Văn phòng Luật sư IDVN, luật sư tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam qua nhiều đợt POR kể đầu tiên là khối lượng thông tin mà doanh nghiệp phải kê khai, chúng tương đương với khối lượng công việc hàng ngày của doanh nghiệp. Việc kê khai này kéo dài trong vòng sáu tháng cho đến khi có kết quả chính thức và đòi hỏi chỉ những người am hiểu và có kinh nghiệm mới làm được. Bên cạnh đó, hệ thống kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp có bề dày về thành tích xuất khẩu và kinh nghiệm tham gia xem xét hành chính thuế CBPG hiện nay đều khó đáp ứng yêu cầu kê khai phức tạp chi tiết đến từng hóa đơn mua bán, vận đơn tàu biển, trong từng chuyến hàng như DOC yêu cầu.
Cuối cùng, chi phí mà một doanh nghiệp bỏ ra cho luật sư cũng không hề nhỏ. Bà Tuyết cho biết, lợi nhuận của những doanh nghiệp xuất khẩu tôm quy mô nhỏ, mỗi năm doanh thu xuất khẩu vài triệu đô la Mỹ chỉ đủ trả riêng chi phí thuê luật sư và nhân sự tham gia vào việc chuẩn bị giấy tờ, cung cấp thông tin cho DOC.
Một cái nhìn xuyên suốt về năng lực của doanh nghiệp, có phù hợp với “cuộc chiến” có thể còn kéo dài này, cũng rất cần thiết!
Kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp niêm yết có nguy cơ chịu thuế chống bán phá giá
Kết thúc năm 2013, Thủy sản Minh Phú đạt lợi nhuận ròng sau kiểm toán trên 270 tỉ đồng, tăng đột biến so với mức lợi nhuận chưa tới 17 tỉ đồng năm 2012. Mặc dù có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và tăng trưởng tốt, Thủy sản Minh Phú vẫn giữ ý định hủy niêm yết tự nguyện theo nghị quyết tại đại hội đồng cổ đông năm 2013 do cổ phiếu MPC thanh khoản không cao, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) nằm trong số 30 công ty xuất khẩu tôm đứng trước nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá 6,37% cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2013 với mức lãi ròng sau kiểm toán là 32,7 tỉ đồng, tăng hơn năm lần so với khoản lãi 6 tỉ đồng năm 2012.
Trong khi đó, tin xấu về thuế chống bán phá giá tôm càng khiến CTCP Thủy sản Cửu Long (HOSE: CLP), CTCP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau, Camimex (HOSE: CMX) và CTCP Đầu tư Thương mại Thủy Sản, Incomfish (HOSE: ICF) lâm vào hoàn cảnh tồi tệ vì 2013 đã thua lỗ hay lợi nhuận rất thấp. N.H.H
Lại có phương pháp tính thuế mới
Tuần qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định sơ bộ về thuế chống bán phá giá tôm với Thủy sản Minh Phú (HOSE: MPC), Thủy sản Sóc Trăng và 30 doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác của Việt Nam. Lần này DOC áp dụng phương pháp tính thuế chống bán phá giá mới. Nếu phương pháp này được thông qua thì ba quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu vào Mỹ là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam sẽ phải chịu tới 35 triệu đô la Mỹ tiền thuế cho giai đoạn từ 1-2-2012 tới 31-1-2013, trong đó các công ty Việt Nam sẽ phải chịu tới 16,55 triệu đô la Mỹ.
DOC đưa ra một phương pháp tính thuế mới dựa trên “phân tích chênh lệch giá” (differential pricing). Phương pháp này phân tích một loạt mức chênh lệch giữa giá bán thấp và cao của cùng một sản phẩm tôm ở doanh nghiệp. Mức chênh lệch đó, sau được phân loại thành thấp, trung bình và cao so với mặt bằng chung của giá sản phẩm này ở Mỹ. Mức chênh lệch giá được cho là cao sẽ bị DOC kết luận bán phá giá và DOC sẽ thực hiện rà soát với tất cả các chủng loại sản phẩm khác của doanh nghiệp (ví dụ: tôm ở các kích cỡ khác nhau). Đến đây, DOC chia ra ba mức sản phẩm có chênh lệch giá bán cao để đánh thuế, từ 0-33%, từ 33-66% và từ 66% trở lên. Minh Phú bị cho là có 63,4% số sản phẩm có chênh lệch giá cao so với các nhà xuất khẩu khác, phải chịu thuế tăng lên tới 4,98%. Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) có 69,4% số sản phẩm có chênh lệch giá bán ra cao, phải chịu mức thuế 9,75%. Ba mươi công ty xuất khẩu tôm khác chịu mức thuế 6,37%. Tất cả các nhà xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu mức thuế chống bán phá giá chung lên tới 25,76%.
Trong số các công ty có nguy cơ phải chịu thuế chống bán phá giá trên của DoC có tới năm công ty niêm yết và một số công ty đại chúng đang giao dịch tại sàn UPCoM. N.H.H
Phạm Thái/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: