Theo các chuyên gia kinh tế, tuy VN luôn tự hào là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới về số lượng, nhưng giá bán của gạo VN lại luôn đứng trong nhóm thấp nhất trên thị trường toàn cầu. Đây chính là trăn trở của người Việt và nhiều thế hệ DN Việt.
Thông tin VN vừa mới trúng gói thầu cung cấp 800.000 tấn gạo loại 15% tấm cho Philippines với giá thành từ 436 – 441,25 USD/tấn sẽ là một tin vui cho người trồng lúa trong viễn cảnh XK gạo của năm 2014 cũng không mấy sáng sủa, khi nguồn cung thế giới đang dư thừa và luôn bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm của Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan và cả Campuchia. Thế nhưng...
Thế mạnh... thấp cấp
Trong phiên giải trình với chủ đề "Khoa học và Công nghệ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, năm 2013, tuy chúng ta XK hơn 7 triệu tấn gạo, đem lại cho đất nước gần 3 tỷ USD, nhưng giá gạo XK của VN vẫn rất thấp so với khu vực. Thế mạnh của VN trong XK là gạo cấp thấp, nhưng với tình hình thế giới hiện nay, nếu chỉ sản xuất gạo cấp thấp thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới và yêu cầu của một vài thị trường mới như Mỹ La tinh, Châu Âu… Vì vậy, để gạo Việt Nam được các nước chấp nhận, một mặt làm lương thực, một mặt làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm, thì ngành gạo cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hạt gạo.
Nếu nâng cao chất lượng hạt gạo, chúng ta hoàn toàn có thể giảm bớt khối lượng XK mà vẫn có thể có được kim ngạch bằng hoặc cao hơn hiện nay. Trên thế giới hiện nay, hơn 1/2 dân số đang sử dụng gạo làm lương thực chính, nhiều quốc gia đã đầu tư nghiên cứu để tìm ra các biện pháp gia tăng giá trị cho hạt gạo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Còn ở nước ta, chỉ phát triển chủ yếu dựa vào vòng quay của đất, dựa vào sức lao động và thiên nhiên. Do vậy, chúng ta cần xây dựng một giải pháp đồng bộ của cả một chuỗi ngành hàng, từ nhu cầu thị trường tiêu thụ cho đến lưu thông, chế biến, khâu kỹ thuật, tổ chức sản xuất và cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất và chia sẻ lợi nhuận từ người bán hàng cho tới ông nông dân. Để làm được điều này, cần thay đổi tư duy từ “sản xuất lúa gạo” trở thành ngành “công nghiệp lúa gạo”.
Ngành “công nghiệp lúa gạo”
Trên thực tế, đã có nhiều DN sản xuất thực phẩm đã nâng cao giá trị của hạt gạo Việt bằng cách chế biến, tạo ra hàng 100 sản phẩm XK có giá trị cao như bột gạo, bánh phở, hủ tiếu khô, bánh tráng… đang được thị trường thế giới ưu chuộng. Một trong những DN thành công trong lĩnh vực này phải kể đến là Cty CP Thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp) hiện có trên 100 sản phẩm chế biến khác nhau từ gạo. Các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và EU đều là những thị trường chính của Bích Chi. Hoặc như DN chế biến bột Lộc Sánh (Đồng Tháp), thông qua chế biến, DN này có thể làm ra được hơn 700 kg bột/tấn gạo. Giá bột XK của DN ở mức trung bình hơn 14 triệu đồng/tấn, so với giá gạo XK loại 5% tấm ở mức hơn 400 USD, thì rõ ràng sản phẩm gạo qua chế biến XK đã cao gần gấp đôi so với gạo XK thông thường...
Trong một cuộc hội thảo chuyên đề về lúa gạo được tổ chức tại khu vực ĐBSCL, một thương gia Nhật Bản cũng khuyến cáo các DN VN cần nâng cao chất lượng gạo XK, hướng đến việc XK chế phẩm các sản phẩm từ gạo nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh ở các thị trường trên thế giới, đặc biệt là thị trường Nhật. Và đây cũng là hướng phát triển mà các chuyên gia kinh tế đang khuyên các DN XK gạo VN hướng tới, tức gia tăng các sản phẩm chế biến có giá trị cao, chứ xuất thô thì không cạnh tranh được với các nước như Thái Lan, Ấn Độ.
Quốc Chánh/ Diễn đàn doanh nghiệp
Không có nhận xét nào: