» » » Cơ hội cho sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị vươn xa

Chưa có khi nào, sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị lại “nóng” như thời điểm này kể từ khi hạt tiêu vùng Cùa (huyện Cam Lộ) cùng với sản phẩm tinh bột sắn của Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị được thế giới vinh danh thông qua Giải thưởng Chất lượng Quốc tế thế kỷ- hạng Vàng do Tổ chức Business Initiative Directions (BID- Tây Ban Nha) trao tặng. 

Đây là lần đầu tiên hai sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị được thế giới biết đến và cũng là lần đầu tiên sản phẩm hạt tiêu “cháy hàng” khi các đối tác châu Âu ký kết đơn đặt hàng thông qua Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị. Đây chính là cơ hội cho sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị phát triển, vươn xa. Vấn đề còn lại đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp cũng như chính người nông dân trồng tiêu phải chọn hướng đi một cách chính xác cho hiện tại và cả tương lai. Đó là vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu trồng tiêu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này phải được xác lập như thế nào từ nhận thức đến tổ chức sản xuất. 

Bởi trên thực tế, ở tỉnh Quảng Trị nhiều năm qua, diện tích trồng tiêu không chỉ tập trung ở vùng Cùa (Cam Lộ) 350 ha mà còn được mở rộng với diện tích rất lớn ở các huyện Gio Linh gần 400 ha, Vĩnh Linh 1.028 ha và nhiều địa phương khác. Nhưng khi nhắc đến sản phẩm tiêu ở Quảng Trị thì thị trường trong nước cũng như thế giới mới biết nhiều đến tiêu Cùa. Đây là một thiệt thòi lớn cho người trồng tiêu bởi hạt tiêu ở Quảng Trị do tương đương về khí hậu, thổ nhưỡng nên chất lượng cũng tương đồng nhau, trong lúc đó giá cả và thương hiệu lại khác nhau.

Diện tích cây hồ tiêu Quảng Trị không ngừng được mở rộng

Nhớ lại những năm trước đây, cây tiêu ở vùng Cùa thường xuyên bị dịch bệnh, giá cả bấp bênh nên người trồng tiêu có lúc nản chí. Nhiều hộ chặt phá chuyển đổi sang cây trồng khác, thậm chí có hộ chỉ phá tiêu để khai thác cây mít (trụ tiêu) lấy gỗ bán. Được sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, thông qua đề án “4 nhà”, trong đó nhà doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo nên người trồng tiêu ở đây phục hồi vườn tiêu của mình một cách nhanh chóng. 

Với tư cách là nhà doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị hỗ trợ người dân tham quan học tập, hội thảo đầu bờ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cải tạo giống, mua các loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật… nhằm nâng cao năng lực, trình độ canh tác cho người trồng tiêu phát triển bền vững. Công ty còn cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân theo giá thị trường cũng như đảm bảo về chất lượng sản phẩm được ký gửi tại kho. Công ty tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài nước để thương hiệu tiêu Cùa xứng tầm chất lượng. 

Trong lúc đó, vị thế của cây tiêu ở Gio Linh, Vĩnh Linh tuy được tỉnh Quảng Trị tiến hành quy hoạch, lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồ tiêu và hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhưng trong thực tế sản phẩm hạt tiêu làm ra ở đây chưa được thị trường biết đến nhiều như hạt tiêu vùng Cùa. Mới đây, huyện Vĩnh Linh phối hợp với Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị tìm giải pháp xây dựng thương hiệu cho cây hồ tiêu Vĩnh Linh. Lãnh đạo huyện Vĩnh Linh cũng thừa nhận loại cây này đã gắn bó lâu đời với người nông dân, được xem là một trong những cây công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói , giảm nghèo. Những địa phương có diện tích trồng tiêu lớn của huyện gồm Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thành... Với giống tiêu có đặc điểm hạt nhỏ, cay, nồng… nên nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, nhất là ở Tây Nguyên đã chọn giống tiêu Vĩnh Linh để đưa vào sản xuất đại trà, hiệu quả kinh tế cao. Trong lúc đó, ngay trên chính quê hương, thì giá trị mang lại của loại cây này chưa tương xứng với tiềm năng về diện tích, năng suất, chất lượng của giống tiêu vì chưa xây dựng được thương hiệu. 

Cây tiêu ở huyện Gio Linh cũng tương tự như vậy. Ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, hồ tiêu là cây truyền thống, hiện có gần 400 ha, đang giúp nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu. Phấn đấu đến năm 2020, huyện sẽ mở rộng diện tích hồ tiêu lên 600 ha, tập trung ở các xã miền tây có đất đỏ bazan màu mỡ, đồng thời kêu gọi các chương trình, dự án đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn chính sách với lãi suất ưu đãi giúp người trồng tiêu có cơ hội phát triển vườn tiêu bền vững. 

Mới đây, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020”, với mục tiêu nằm trong chiến lược phát triển nông nghiệp cả nước và trong mối liên kết với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đặc biệt là các nước trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 và các quy hoạch khác có liên quan. Phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách toàn diện, phát triển sản xuất gắn với chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Phát huy tối đa lợi thế 3 vùng kinh tế: Trung du, miền núi, đồng bằng, vùng cát ven biển. Phát triển nông nghiệp, nông thôn dựa trên cơ chế thị trường; nhà nước giữ vai trò hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo mối liên kết đa chiều, trong đó doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác làm đầu kéo cho sản xuất. Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và huy động cao các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế tham gia, phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của nhà nước. 

Cây hồ tiêu cũng được nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển chung đó. Dự kiến đến năm 2020, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển đạt 3.000 ha (hiện nay 2.000 ha), tập trung 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh Cam Lộ và Hướng Hóa. Đồng thời thực hiện triệt để chủ trương liên kết 4 nhà, trong đó nhà doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm như Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị xây dựng thương hiệu tiêu Cùa hiện nay. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chọn giống tiêu, hỗ trợ lãi suất vốn vay… cũng được đẩy mạnh. Với cách làm này, hy vọng sản phẩm tiêu Quảng Trị sẽ có thương hiệu mạnh trên thị trường thay vì chỉ có thương hiệu tiêu Cùa như hiện nay. 

Bài, ảnh: Nguyễn Vinh/ Báo Quảng Trị

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: