Tái cấu trúc nền nông nghiệp nước ta hiện nay là phải xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo an ninh lương thực, tái cơ cấu ngành trồng lúa, yêu cầu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và nâng cao đời sống nông dân là yêu cầu hết sức cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Căn cơ bài toán quy hoạch
Chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang là vấn đề thời sự ở của mỗi gia đình làm nông ở khu vực ĐBSCL. Thực tế này đòi hỏi phải thay đổi tư duy về cây lúa. Chúng ta có quyền tự hào về thành tích xuất khẩu gạo, cũng hoàn toàn có lý khi quyết tâm giữ 3,8 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng giữ đất lúa không có nghĩa tất cả đều phải trồng lúa, để rồi lãng phí cơ hội phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị hơn như bắp, đậu nành, thủy sản, gia súc.
“Nếu những vùng đất kém hiệu quả được chuyển sang trồng bắp và đậu nành, trồng cỏ thì chúng ta không phải tốn 3 - 4 tỷ USD mua thức ăn chăn nuôi mỗi năm, hơn 7 triệu con trâu, bò trong nước không phải thiếu thức ăn, thịt bò Việt Nam không bị thịt bò Australia, New Zealand ép giá”, một chuyên gia nhận định.
“Cây lúa là một lợi thế ngàn đời, gạo vẫn là số một trong nông nghiệp. Vấn đề là chúng ta phải làm tốt việc xúc tiến thương mại, điều hành việc xuất khẩu hợp lý để tìm đầu ra ổn định, giữ được giá trị hạt lúa”, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tham gia cánh đồng mẫu ở ĐBSCL hoàn toàn có thể hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị lúa gạo trong khi lợi nhuận thu được vẫn đảm bảo.
GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất: “Mô hình cánh đồng mẫu lớn nên thực hiện theo Nghị quyết 26, trong đó có phần nói về công ty cổ phần nông nghiệp, nghiên cứu cách làm mới hơn, không phải đơn thuần chỉ là việc góp vốn. Người nông dân có sức lực, lao động và có sản phẩm làm ra có thể đóng góp, mua cổ phần bằng chính sản phẩm làm ra. Như vậy, nông dân mới làm hết sức để vừa mua cổ phần vừa bán sản phẩm của mình, gắn bó thật sự lâu dài với công ty”.
Rõ ràng về quy hoạch, cần tính toán bài toán tổng thể ngay từ đầu: Sản xuất lúa bao nhiêu để đảm bảo an ninh lương thực, còn lại bao nhiêu lúa hàng hóa. Diện tích nào cần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Qua khảo sát nghiên cứu cho thấy có 20 - 25 huyện thuộc 13 tỉnh, thành trong vùng có thể sản xuất lúa hàng hóa tốt.
Tâm huyết với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn cho rằng: Phải đầu tư cho cây thức ăn chăn nuôi (bộ phận không thể tách rời của nội hàm an ninh lương thực), cây công nghiệp lâu năm, cây rau, hoa quả với những chính sách khuyến khích, tạo đòn bẩy để hỗ trợ phát triển.
Thiết kế lại chính sách
Theo PGS-TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), để giúp việc chuyển đổi đưa cây màu vào sản xuất ở ĐBSCL có hiệu quả và bền vững cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, tích cực của ngành nông nghiệp; liên kết với doanh nghiệp đầu vào: Cung ứng giống, vật tư và doanh nghiệp đầu ra; bao tiêu sản phẩm. Nhà nước quy hoạch vùng và cây trồng, vụ trồng thích hợp, liên kết nông dân thành cánh đồng mẫu lớn để dễ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trạm bơm điện, đê bao…). Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong việc tham gia cánh đồng mẫu lớn cho cây màu.
Nghiên cứu về chính sách tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất. Nhà khoa học xác định giống và quy trình canh tác tiên tiến có áp dụng đồng bộ cơ giới hóa. Tăng cường công tác nghiên cứu giống mới, quy trình canh tác theo hướng hữu cơ sinh học và bền vững. Đẩy mạnh khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền, tập huấn cho nông dân. Nhà nông chủ động liên kết sản xuất; học hỏi nắm bắt thông tin kinh tế, thị trường, khoa học kỹ thuật…
Tất cả các vấn đề trên nhằm mục đích tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành; đảm bảo cạnh tranh với giá nông sản nhập khẩu và hiệu quả kinh tế phải cao hơn sản xuất lúa. Có như vậy mới đảm bảo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở ĐBSCL có hiệu quả và bền vững ở quy mô lớn.
Theo PGS-TS Phạm Văn Dư (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT), việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm sử dụng tối ưu tài nguyên thiên nhiên (đất, khí hậu, nguồn nước) với mức đầu tư thấp nhất (vốn, lao động, vật tư) để đạt được năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất là việc làm thiết thực.
Về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, PGS-TS Phạm Văn Dư nhấn mạnh: Phải chú trọng phát triển công nghệ chế biến tiêu thụ sản phẩm. Gắn liền việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả phải đẩy mạnh gia tăng các sản phẩm chế biến, chú trọng gia công và chất lượng sản phẩm xuất khẩu, giảm xuất khẩu hàng chế biến thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến bằng công nghệ mới. Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trên cơ sở phát huy những lợi thế riêng của địa phương để giảm tỷ lệ nhập từ ngoài nước.
Phát triển công nghiệp chế biến rau quả, nước giải khát cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gắn với chương trình phát triển rau quả. Phát triển các hoạt động tín dụng nhằm cung cấp vốn ngắn hạn cho nông dân và vốn trung hạn, dài hạn cho các hộ có điều kiện phát triển dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo các chuyên gia, để tạo ra cú hích mạnh cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thì ngay từ bây giờ các địa phương phải nhanh chóng tiến hành quy hoạch, hình thành những cánh đồng mẫu lớn và tập trung đầu tư thi công đồng bộ hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo chủ động nguồn nước tưới. Xây dựng và chuyển giao các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, phù hợp với trình độ canh tác, tập quán sản xuất, điều kiện đất đai của từng vùng để nông dân tham khảo, áp dụng.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống cao sản, giống lai, giống có phẩm chất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như kháng được những loại sâu bệnh nguy hiểm vào sản xuất đại trà. Đồng thời, cần sớm thúc đẩy, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định và bền vững trong việc tiêu thụ sản phẩm…
Nhóm PV Báo SGGP
Bài viết liên quan:
ĐBSCL - Trồng lúa hay trồng màu? Bài 2: Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất
ĐBSCL - trồng lúa hay trồng màu? Bài 1: Thách thức sản xuất nông nghiệp
Bài viết liên quan:
ĐBSCL - Trồng lúa hay trồng màu? Bài 2: Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất
ĐBSCL - trồng lúa hay trồng màu? Bài 1: Thách thức sản xuất nông nghiệp
Không có nhận xét nào: