» » ĐBSCL: giá lúa gạo lại giảm

Tính đến ngày 6/4, chương trình tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2013-2014 đã qua hơn 1/3 thời gian thực hiện với gần 350.000 tấn gạo được mua vào, chiếm gần 35% kế hoạch. Nhưng giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn liên tục giảm, chưa phát huy được tác dụng giữ giá không xuống thấp như mục tiêu đề ra của chương trình.

Giá lúa gạo nội địa tiếp tục giảm dù chương trình tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo đang triển khai. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: Trung Chánh

Giá lúa lại giảm

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vào sáng 5/4, ông Dương Văn Mến, thương nhân chuyên kinh doanh lúa gạo tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho biết hiện lúa IR 50404 tươi chỉ còn 4.200-4.300 đồng/kí lô gam và 4.400-4.500 đồng/kg đối với các loại lúa hạt dài (lúa tươi) như OM 4218, OM 6976, OM 1490…, giảm 50-100 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần và giảm đến 300-400 đồng/kg so với mức giá trước khi chương trình tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo được triển khai.

Đối với gạo nguyên liệu, hiện có giá dao động khoảng 6.500-6.600 đồng/kg với giống IR 50404 và 6.700-6.800 đồng/kg với các giống lúa hạt dài, giảm bình quân khoảng 100 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần này.

Trong khi đó, theo trang thông tin chuyên nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường lúa gạo thế giới Oryza.com, giá chào xuất khẩu gạo Việt Nam có lúc tăng, lúc giảm trong vòng nửa tháng qua nhưng nhìn chung vẫn trong xu hướng ổn định.

Cụ thể, gạo 5% tấm hiện được doanh nghiệp chào bán với giá 385-395 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm là 350-360 đô la Mỹ/tấn và gạo thơm Jasmines là 495-505 đô la Mỹ/tấn.

Vì sao?

Lý giải nguyên nhân giá lúa gạo nội địa giảm, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp gạo Yến Ngọc, quận Tân Phú, TP.HCM, cho biết do xuất khẩu chính ngạch đang gặp khó khăn và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc qua cửa khẩu ở phía Bắc cũng đã tạm ngưng cho nên nhu cầu mua gạo để xuất khẩu hiện không còn mạnh nữa.

Theo báo cáo của VFA, trong tháng 3-2014, doanh nghiệp hội viên của đơn vị này đã xuất khẩu được trên 583.000 tấn, trị giá FOB trên 256 triệu đô la Mỹ.

Lũy kế xuất khẩu gạo tính đến cuối tháng 3-2014 đạt trên 1,2 triệu tấn, trị giá FOB đạt gần 530 triệu đô la Mỹ.

“Thái Lan tìm mọi cách để xả hàng, giá chào bán loại gạo 5% tấm của họ có lúc xuống thấp hơn giá của chúng ta (Việt Nam) nên doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng e ngại, cho nên có lẽ vì vậy mà giá lúa gạo nội địa giảm xuống, dù chương trình tạm trữ đang triển khai”, bà Yến cho biết.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, giá lúa gạo nội địa giảm cũng có thể do doanh nghiệp cố tình chần chừ, bắt tay ép giá lúa gạo giảm xuống.

Về kế hoạch xuất khẩu gạo, báo cáo mới nhất vừa được VFA công bố ngày 4-4 cho biết căn cứ vào tình hình đăng ký hợp đồng xuất khẩu và khả năng giao hàng, dự kiến trong tháng 4 doanh nghiệp hội viên của VFA sẽ xuất khoảng 700.000 tấn, tăng khoảng 120.000 tấn so với tháng trước đó, dù khối lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký không được tiết lộ.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tính đến giữa tháng 3-2014, doanh nghiệp hội viên của VFA đã ký được 2,062 triệu tấn gạo (bao gồm 0,844 triệu tấn của năm 2013 chuyển sang), trong đó, hợp đồng tập trung là 0,604 triệu tấn và hợp đồng thương mại là 1,458 triệu tấn.

Cũng theo nguồn tin này, số lượng hợp đồng xuất khẩu còn lại chưa giao cho đối tác, tính từ ngày 15-3-2014 là 1,274 triệu tấn.

Trung Chánh/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: