Năng suất mía bình quân của nước ta chỉ trên dưới 60 tấn/ha. Những vùng trồng mía có độ dốc hơi cao khiến độ phì nhiêu thấp, trong lúc đó phân bón chưa đáp ứng được yêu cầu của từng loại giống khiến năng suất thấp, kéo theo năng suất bình quân mía cả nước xuống.
Ảnh minh họa
ĐBSCL đã có nhiều câu lạc bộ 200 tấn mía/ha, nhưng năng suất và chữ đường cũng chưa phải là cao. Chính vì thế, làm gì để cây mía cho năng suất và chữ đường cao thì yếu tố bón phân hợp lý, đúng phân chuyên dùng là một yếu tố quan trọng…
Bón phân hợp lý
Mía thuộc họ hòa thảo (Poaceae), tông Andopogoneae gồm các loài: Saccharum barbari (mía); Saccharum bengalense (mía Bengal); Saccharum edule (mía); Saccharum officinarum (trồng ở VN); và Saccharum sinense (mía lau).
Mía thuộc nhóm lau sậy, nhưng thân to, chứa nhiều đường. Các nhà khoa học đã phân loại mía thuộc loại cây có hoạt động quang hợp theo thực vật C4. Nghĩa là sản phẩm quang hợp đầu tiên là hợp chất hữu cơ có 4 gốc các bon.
Ưu thế của nhóm thực vật C4 là có cường độ quang hợp cao, nhiệt độ tối đa cho quang hợp cũng cao hơn nhóm C3 và điểm bù ánh sáng thấp hơn nhóm C3. Vì lẽ đó mà cây mía có khả năng hoạt động quang hợp trong khoảng nhiệt cũng như ánh sáng khá rộng.
Vì vậy, mía cho năng suất sinh học cũng như năng suất kinh tế thường cao hơn cây lúa (cùng họ Poaceae). Kèm theo đó, cây mía cũng cần được cung cấp đầy đủ với số lượng dinh dưỡng nhiều hơn cây lúa.
Một đặc điểm khác là cây mía sống ở trên cạn, có bộ rễ phát triển khỏe, khả năng phá vỡ các tầng đất cứng, để ăn sâu xuống các tầng đất sâu hơn cây lúa nên khả năng len lỏi, tìm kiếm dinh dưỡng tốt hơn cây lúa. Cùng với bộ rễ khá nhiều nên sau khi trồng, nếu hàng năm trả lại được bộ lá cho đất thì mía có khả năng cải tạo tầng đất canh tác khá tốt.
Sản phẩm người ta cần ở cây mía là lượng đường chứa trong cây. Lượng đường và chất lượng đường phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng cung cấp cho mía. Trong đó kali và Ca có ảnh hưởng lớn đến hàm lượng và chất lượng đường. Mía có thể trồng được trên rất nhiều loại đất kể cả trên đất phèn thoát nước tốt.
Nhưng do tính chất đất khác nhau, khả năng chứa các thành phần dinh dưỡng khác nhau nên việc cung cấp dinh dưỡng cho mía ở các loại đất khác nhau cũng rất khác nhau. Phân tích cây mía khi thu hoạch cho thấy, ruộng mía có năng suất 100 tấn mía cây, cây lấy đi hết 142 - 200 kgN, 42 -85 kg P205, 314 - 425 kg K20, 40 kg Ca0, 47 kg Mg0, 25 kg S, 400 kg Silic, 6 kg Na, 2 - 3 kg Fe, 1 kg Mn, 0,11 - 0,05 kg Cu, 0,02 - 0,05 kg Zn, 0,1 - 0,2 kg B và 0,001 kg B.
Số lượng dinh dưỡng trên tương đương với 310 - 435 kg ure, 262 - 531 kg super lân và 523 - 710 kg phân KCL. Đấy là tính lượng phân cây mía cần. Nhưng do hiệu suất sử dụng phân cuả các chất này khác nhau, nên số phân bón vào không phải như vậy, nhất là phân lân. Thường hiệu suất sử dụng lân chỉ dao động trong phạm vi 15 - 25% tính chung cho các loại đất.
Trong số P cây mía hút ở trên là 42 - 85 kg P205 (262 - 531 kg super lân). Nếu lấy hiệu suất sử dụng P là 25%, thì số P do ta bón vào ở trường hợp này đóng góp được 10,5 - 21,25 kg P205, phần còn lại cây lấy từ đất. Tuy nhiên, lượng phân P ta cần bón vào phải tương đương với 262 - 531 kg super lân (bón gấp 4 phần cây mới lấy đi có 1 phần).
Còn đạm và kali do có hiệu suất sử dụng cao hơn lân, hiệu suất sử dụng của N khoảng 35 - 40%, của kali khoảng 40 - 50%. Nhưng khi bón phân cho mía thì tùy thuộc hàm lượng dinh dưỡng của các chủng loại phân khác nhau nên số lượng phân bón vào cũng khác nhau.
Dùng phân chuyên dụng
Trường hợp nói trên thì phân đạm bón cho mía trung bình cũng khoảng 400 - 427 kg ure và khoảng 200 - 250 kg phân kali. Phần dinh dưỡng còn lại rễ cây tận dụng từ các lớp đất khác nhau. Nếu khi dùng P trong DAP thì do hàm lượng P cao nên số lượng phân bón vào ít hơn so với khi dùng super lân và ta cũng sẽ giảm số lượng phân ure xuống cho phù hợp.
Cách bón người ta bón lót toàn bộ lân lúc trồng (nếu dùng super lân) và một phần ít phân đạm, 1/4 kali. Số phân đạm còn lại chia ra bón thúc 2 lần vào lúc 4 - 5 lá và lúc mía vươn dóng (7 - 8 lá), phân kali bón 1/3 lúc đẻ nhánh còn lại 2/3 bón vào lúc vươn dóng.
Cty CP Phân bón Bình Điền có loại phân chuyên dùng bón cho mía là Đầu Trâu - TE Mía-1 (20-10-15-TE) và Đầu trâu - TE Mía 2 (15-7-20+TE). Sử dụng phân Đầu trâu TE - Mía 1 bón lót và thúc đẻ nhánh, và Đầu trâu - TE Mía 2 để thúc lúc vươn dóng, tuân theo lượng bón được khuyến cáo rõ trên bao bì.
Bên cạnh 2 chủng loại phân này bà con có thể tìm mua phân Đầu trâu đẻ nhánh (19-12-6-TE) và Đầu trâu vươn dóng (16-6-19+TE). Liều lượng cũng được ghi rõ trên bao bì. Bón 2 loại phân này sẽ tiện lợi, cân đối và tiết kiệm phân cũng như công bón, năng suất cao, chữ đường cũng cao.
Mía cần nền dinh dưỡng dồi dào và tỷ lệ dinh dưỡng hợp lý thì vừa có năng suất sinh vật cao, vừa có tỷ lệ đường cao. Hiện năng suất mía bình quân của nước ta chỉ khoảng 60 tấn/ha. Những vùng trồng mía trên đồi có độ dốc hơi cao, nhờ nước mưa mà độ phì thấp, trong khi phân bón chưa đáp ứng được yêu cầu của từng loại giống nên năng suất thấp.
ĐBSCL đã có nhiều câu lạc bộ 200 tấn mía/ha, điển hình có nông dân đạt được 268 tấn mía cây/ha. Tuy nhiên năng suất chữ đường cũng chưa thật cao và phải thu hoạch trong tháng 9 dương lịch, mía chưa đến thời kỳ đạt đủ độ chín.
Để phá vỡ thế khó khăn của ngành mía đường hiện nay, một mặt cần ngăn chặn tình trạng nhập đường qua lối tiểu ngạch; mặt khác tích cực hơn thì ngành mía đường cần đầu tư đúng vùng nguyên liệu nhằm đưa năng suất mía cao hơn (80 - 100 tấn/ha), hạ giá thành SX sẽ là phương pháp cơ bản.
GS.TS Mai Văn Quyền/ nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào: