Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm nay, 8-4-2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát đã trả lời những chất vấn của đại biểu về những nghịch lý trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất gạo, cây trồng biến đổi gen…
Trong ảnh là ruộng bắp biến đổi gien được trồng khảo nghiệm trên diện hẹp tại Bà Rịa- Vũng Tàu vào năm 2011 - Ảnh: Trung Chánh.
Bộ trưởng Phát cũng hứa hẹn sẽ triển khai một đề án đổi mới ngành lúa gạo Việt Nam với nhiều biện pháp như tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nêu vấn đề năm 2013, nước ta xuất khẩu được 2,95 tỉ đô la Mỹ lúa gạo nhưng phải nhập khẩu tới hơn 3 tỉ đô la Mỹ thức ăn chăn nuôi như bắp (ngô), đậu nành (đỗ tương)… Theo ông Việt, đây là một nghịch lý và yêu cầu Bộ trưởng Phát cho biết hướng dịch chuyển cơ cấu cây trồng để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, ngành thức ăn chăn nuôi đang bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng trong khi nước ta sản xuất nhiều nông sản nhưng không xuất khẩu được hoặc xuất khẩu với giá rẻ mạt.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Phát cho hay, nước ta có khả năng phát triển nhanh sản xuất bắp đáp ứng nhu cầu ngành chăn nuôi trong nước do đã có tiến bộ kỹ thuật tốt để sản xuất sản phẩm mang tính cạnh tranh nhưng diện tích trồng đậu nành còn nhỏ, năng suất thấp, sản phẩm này chưa phải là lợi thế để đẩy mạnh sản xuất.
Về lúa gạo, Bộ trưởng Phát cho hay, Bộ đang xây dựng đề án đổi mới ngành lúa gạo với nhiều biện pháp như tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật ... Các nhà khoa học Việt Nam đã làm ra 102 giống lúa trong 5 năm qua nhưng chất lượng lúa gạo vẫn chưa được nâng lên nhiều do giống lúa không có đột biến về năng suất và chất lượng. Hơn nữa trong kinh doanh thương lái thường trộn nhiều loại gạo với nhau nên giá bán không cao.
Ông Phát cho biết, đề án đổi mới ngành lúa gạo sẽ tập trung nghiên cứu giống có chất lượng, giá trị thương mại và độ bền vững cao hơn; sẽ thúc đẩy việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết nông dân và doanh nghiệp đầu ra để nông dân có nơi tiêu thụ ổn định và có nơi đặt hàng cho sản phẩm.
“Hy vọng trong 5 năm tới sẽ có sự chuyển biến nhanh hơn cho ngành lúa gạo,” Bộ trưởng Phát nói.
Về thực trạng ngành thức ăn chăn nuôi hiện nay, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhưng không có đề tài nào về thức ăn chăn nuôi, dẫn tới việc nhiều năm qua nước ta vẫn bị phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ KHCN khuyến khích các đề tài khoa học về lĩnh vực này nhưng người đề xuất đề tài phải là các bộ, các tỉnh sau đó Bộ KHCN sẽ nghiên cứu và bàn giao kết quả, tránh tình trạng các đơn vị đặt hàng nghiên cứu xong nhưng không có địa chỉ ứng dụng.
Tại buổi giải trình, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thể hiện quan điểm ủng hộ cây trồng biến đổi gien. Ông Phát khẳng định sẽ không để Việt Nam đứng ngoài nền khoa học của nhân loại, đặc biệt là cây trồng biến đổi gien. Ông Phát nhấn mạnh, cây trồng biến đổi gien là một thành tựu khoa học của thế giới mà Việt Nam không thể bỏ qua; Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các đề tài khoa học để chứng minh về tính thiết thực của việc trồng đại trà giống cây này.
Thùy Dung/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: