Từ mấy năm nay, Cty CP Việt Nam đã bắt tay vào việc trở thành nhà cung ứng thực phẩm an toàn theo quy trình khép kín với khái niệm 3F.
Một điểm bán thực phẩm chế biến của CP Việt Nam
Sau một thời dài gần như chỉ được biết đến với tư cách là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhà chăn nuôi hàng đầu ở nước ta, từ mấy năm nay, Cty CP Việt Nam đã bắt tay vào việc trở thành nhà cung ứng thực phẩm an toàn theo quy trình khép kín với khái niệm 3F.
An toàn ngay từ TĂCN
Khái niệm 3F của CP là gì? Theo TS Kiều Minh Lực (Cty CP Việt Nam), 3F là viết tắt của feed – farm – food tức là quy trình sản xuất thực phẩm an toàn phải bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, tới quá trình nuôi ở các trang trại và đến khâu chế biến thực phẩm.
Thuật ngữ 3F được hình thành từ khái niệm “farm to fork” hay “từ trang trại đến bàn ăn” mà thế giới và Việt Nam chúng ta đã quen dùng. Tuy nhiên vào giữa những năm 2000, khi mà tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm mà đặc biệt là thịt heo nóng lên vì sử dụng các chất tăng trưởng nạc như clenbuterol, salbutamol, TS Lực thấy rằng khái niệm từ trang trại đến bàn ăn không còn chứa đựng đầy đủ bản chất trong hoạt động kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, mà cần thiết phải bao hàm cả yếu tố thức ăn chăn nuôi (feed) trong chuỗi giá trị, và do vậy ông mở rộng khái niệm 3F là feed-farm-fork.
Trong đó TS Lực đặt vấn đề fork là chuỗi các hoạt động về chế biến, bảo quản và cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên fork xem ra hơi Âu vì người Việt ít dùng nĩa mà dùng đũa nhiều hơn nên ông thay đổi thuật ngữ 3F thành feed-farm-food (thức ăn chăn nuôi – trang trại – thực phẩm giàu protein động vật). Nhìn tổng thể, khái niệm 3F chứa đựng ba nội dung quan trọng là: cân đối cung cầu của chuỗi giá trị feed-farm-food trong chiến lược an ninh lương thực; hiệu quả của chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm thông qua hệ thống feed-farm-food; và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua chuỗi feed-farm-food.
Bất cứ thứ gì được đưa vào trong thức ăn chăn nuôi, đều sẽ còn trong cơ thể vật nuôi. Vì thế, để đảm bảo thực phẩm có nguồn gốc động vật được an toàn, sạch, không tồn dư các chất độc hại, thì ngay từ khâu sản xuất TĂCN phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, không tồn dư chất độc hại. Để làm được điều này, CP Việt Nam đã xây dựng Nhà máy sản xuất TĂCN ở Bình Dương với công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay. Nhà máy này có công suất 720 ngàn tấn/năm.
Toàn bộ hoạt động của nhà máy, từ khâu lấy mẫu kiểm tra nguyên liệu, nạp nguyên liệu do các xe tải chở đến, cho đến khâu đóng bao thành phẩm, đều được thực hiện trên dây chuyền tự động qua sự điều khiển của những chiếc máy tính hiện đại. Trong nhà máy có phòng thí nghiệm để phân tích nguyên liệu và phân tích thành phẩm. Theo đó, nguyên liệu khi đưa đến nhà máy sẽ được lấy mẫu, phân tích nhanh về mặt chất lượng, về tồn dư các chất độc hại. Nếu lô nguyên liệu nào có vấn đề về chất lượng, có dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại…, sẽ không được nạp vào nhà máy.
Trước khi đóng bao, thành phẩm thức ăn chăn nuôi cũng được lấy mẫu để phân tích xem có đạt chất lượng hay không. Ngày 16/3 vừa rồi, Nhà máy TĂCN Bình Dương của Cty CP Việt Nam đã được trao giải vàng Chất lượng quốc gia. Đây là nhà máy TĂCN đầu tiên, duy nhất ở Việt Nam đạt được giải thưởng này.
Ngày nay TĂCN đang được thay thế dần bằng loại phối trộn hoàn chỉnh sản xuất từ các nhà máy theo phương pháp công nghiệp. Các tiêu chí cơ bản cho các nhà máy này trước hết là hệ thống các tiêu chuẩn ISO. Kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào về mặt giá trị dinh dưỡng và hóa chất cấm, lưu mẫu, cân đối các dưỡng chất, phối trộn bằng máy móc hiện đại, đóng gói, kho thành phẩm là những yếu tố cơ bản trong kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi của một nhà máy sản xuất TĂCN. Toàn bộ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản của CP đang thực hiện theo các tiêu chuẩn nói trên.
Đầu tư mạnh vào khâu thực phẩm
Tất cả các trang trại nuôi gia công cho CP Việt Nam hiện đều đã tham gia vào mô hình 3F. Theo đó, trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở khu vực xa khu dân cư, ưu tiên ở khu vực không có lợi thế trồng trọt nhằm làm gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất đai bằng cách tạo ra hệ thống cây trồng vật nuôi mới do có nguồn phân bón và nước tưới, nhưng cũng nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi. Ngoài ra các giải pháp khoa học công nghệ về chuồng trại, giống, chăm sóc và sức khỏe vật nuôi cũng được áp dụng nhằm góp phần quan trọng trong sản xuất thực phẩm an toàn.
CP Việt Nam đang lấy nguyên lý này trong phát triển trang trại chăn nuôi heo, gà và cả thủy sản. TS Kiều Minh Lực cho biết, các trang trại hợp tác với CP Việt Nam trên tinh thần hai bên cùng có lợi. Nếu sau một thời gian hợp tác, nếu thấy lợi nhuận không được như mong muốn, trang trại có thể ngưng làm với CP.
Trước tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ đang ngày càng gặp nhiều rủi ro về thị trường, hiệu quả kinh tế, hiện đang có thêm nhiều trang trại đang muốn được tham gia vào mô hình 3F của CP Việt Nam để được đảm bảo an toàn về mặt đầu ra, hiệu quả kinh tế. CP Việt Nam đang chiếm tới 7% thị phần thịt heo, 16% trứng gà công nghiệp và 22% thịt gà công nghiệp. Những con số này đủ để thấy số lượng trang trại đang hợp tác chăn nuôi với CP Việt Nam là không nhỏ.
Hiện tại, CP Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hệ thống mô hình 3F trên tất cả các loại vật nuôi mà CP Việt Nam tham gia chăn nuôi như heo, gà đẻ trứng, gà thịt và thủy sản. Trong đó điển hình là ngành thủy sản, mà sản phẩm cuối cùng hiện nay là tôm và cá tra được chế biến tại hai nhà máy tôm đông lạnh Huế (Thừa Thiên – Huế) và nhà máy chế biến thủy sản Bến Tre. Nhờ thực hiện theo mô hình 3F, đảm bảo an toàn từ khâu thức ăn thủy sản tới khâu nuôi ở trang trại và khâu chế biến, nên các sản phẩm thủy sản thành phẩm của CP Việt Nam đã nhanh chóng thâm nhập được vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Mỹ.
Đặc biệt, CP Việt Nam đã đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm Phú Nghĩa (Hà Nội) với công suất chế biến hiện đã ở mức khoảng 3.000 tấn/năm, nhà máy chế biến thực phẩm Biên Hòa (Đồng Nai) công suất 3.800 tấn/năm, nhằm cung cấp sản phẩm thực phẩm an toàn cho thị trường trong nước, với các sản phẩm như gà quay, xúc xích, lạp xưởng ... CP Việt Nam đang tiếp tục mở rộng công suất chế biến thực phẩm lên 9.000 tấn/năm, và dự kiến đầu tư thêm nhà máy chế biến thực phẩm ở Đà Nẵng, Cần Thơ. Mục tiêu của CP Việt Nam là đưa thực phẩm chế biến tới cả với người dân ở các tỉnh chứ không chỉ tập trung vào thị trường các TP lớn.
Để đưa sản phẩm 3F đến tay người tiêu dùng, CP Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ. Năm 2012, CP đặt ra mục tiêu sẽ phát triển hệ thống hơn 10 ngàn cửa hàng bán lẻ trên cả nước để bán thực phẩm chế biến theo mô hình 3F tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên do những khó khăn chung của nền kinh tế, cộng với thói quen của người tiêu dùng (vẫn thích mua thịt trong chợ)…, nên số cửa hàng, kiot bán lẻ các sản phẩm an toàn theo mô hình 3F vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu trên.
Tuy nhiên, một số mô hình cửa hàng, điểm bán lẻ thực phẩm của CP Việt Nam đã cho thấy những triển vọng mở rộng trong thời gian tới. Trước hết, đó là mô hình Five Star (Năm Sao). Đây là một mô hình linh hoạt, dễ thực hiện để đưa nhanh sản phẩm CP Việt Nam đến tay người tiêu dùng Việt Nam với các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cao và hợp khẩu vị. Sản phẩm chính của Five Star là gà quay và gà rán, sử dụng nguyên liệu gà tươi của CP Việt Nam, với giá bán ở mức bình dân. Khởi đầu, Five Star là mô hình hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, người thân của nhân viên CP Việt Nam với phương châm “Một gia đình nhân viên CP Việt Nam là một điểm bán hàng”.
Hiện nay, Five Star đã mở rộng phương thức hợp tác này với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực miền Tây Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Hà Nội. Theo đó người dân Việt Nam tìm mặt bằng kinh doanh và ký quỹ với một số vốn rất nhỏ là có thể có thêm việc làm và nguồn thu nhập mới. Đến nay CP đã phát triển được khoảng 250 kiot Five Star. CP Việt Nam cũng đang tập trung phát triển mô hình bán lẻ CP shop, đây cũng là mô hình mà Cty hợp tác kinh doanh với người dân Việt Nam. Tại đây, người tiêu dùng có thể tìm thấy nhiều sản phẩm mang thương hiệu CP theo mô hình 3F như xúc xích, trứng gà, thịt gà tươi và thịt heo tươi.
Thanh Sơn/ nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào: