VINAGRI News - Đường tồn kho chất ngất, giá mía thu mua xuống thấp khiến nhiều nông dân ở ĐBSCL chán ngán, chặt bỏ cây mía để đầu tư sang lĩnh vực khác. Tình trạng này lặp đi lặp lại đã nhiều năm, nhưng đến nay, ngành mía đường vẫn chưa tìm ra lời giải.
Thanh Hóa có 35.000ha trồng mía chuyên cung cấp nguyên liệu cho 3 nhà máy đường. Những ngày này, nông dân như ngồi trên đống lửa vì mía đã quá tuổi thu hoạch mà các nhà máy vẫn thu mua rất cầm chừng. Hiện toàn tỉnh mới thu hoạch khoảng 20.000ha, còn 15.000ha (tương đương 1,5 triệu tấn mía) đang nằm chờ lệnh chặt mía của nhà máy.
Mía trổ cờ, nông dân điêu đứng
Trong số mía tồn này, một số đã được chặt từ trước, giờ nằm chất đống khô như củi, những cây còn lại thì trổ cờ trắng xóa, trữ lượng đường vì thế sẽ giảm, giá thu mua theo đó xuống thấp. Đầu vụ, giá mía được thu mua 950.000 đồng/tấn, nhưng nay chỉ còn 900.000 đồng/tấn.
Tại nhiều tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, tình cảnh còn thê thảm hơn, khi giá mía được thương lái thu mua tại ruộng chỉ khoảng 700.000 đồng/tấn. Giá mía xuống thấp khiến nhiều nông dân thua lỗ, nên tại Trà Vinh, Bến Tre, Long An, Hậu Giang… xảy ra hiện tượng nhiều nông dân rủ nhau chặt bỏ cây mía để đào ao nuôi tôm hoặc trồng loại cây khác.
Theo một cán bộ huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), toàn huyện có diện tích trồng mía 8.200ha. Nếu như những vụ trước, giá mía thấp nhất cũng bán được 850.000 đồng/tấn, thì nay chỉ còn 750.000 tấn. Năng suất cao nhất cũng chỉ thu được lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ ha, trong khi nuôi tôm thu lợi hơn hàng chục lần, tới 700 triệu đồng/ha, nên nhiều người đã không ngần ngại phá mía, đào ao nuôi tôm mà huyện không ngăn được. Năm 2013, nông dân Cù Lao Dung đã phá hơn 100ha mía để đào ao nuôi tôm. Đầu năm 2014, đã có 200ha mía bị phá; và với tốc độ này, khả năng sẽ có hàng trăm ha mía bị triệt bỏ. Như vậy, quy hoạch 8.000ha mía của huyện Cù Lao Dung có khả năng bị phá vỡ.
Giá đường xuống thấp kéo theo giá thu mua mía cây
Các nhà máy đường cũng đang phải vật lộn lo tiêu thụ lượng đường tồn kho gia tăng từng ngày. Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến ngày 15/2/2014, lượng đường tồn kho tại các nhà máy lên tới gần 420.000 tấn. Lượng đường các nhà máy sản xuất được đến ngày 15/2/2014 khoảng 835.000 tấn, tăng 50.500 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán đường đang thấp hơn 500 - 1.000 đồng/kg so với tháng trước.
Tại một cuộc họp bàn về giải pháp xuất khẩu (XK) nông - lâm - thủy sản do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, tổng hợp từ các vụ mùa của năm trước, khi đường bán ra có giá 14.000 đồng/kg thì giá mía nguyên liệu được nhà máy thu mua là 930.000 đồng/tấn, hiện giá đường đã hạ hơn 1.200 đồng/kg nhưng giá thu mua nếu cứ giữ như những mùa trước thì nhà máy sẽ cầm chắc lỗ. Đường đang tồn kho lớn nhưng nhiều nhà máy vẫn phải gồng mình mua mía cho nông dân với mức giá đảm bảo nhất có thể để duy trì ổn định vùng nguyên liệu.
Đường lậu tràn ngập, đường xuất bị "chặn"
Ông Liêm cho rằng lượng đường tồn kho lớn kéo giá đường xuống thấp hiện nay có nguyên nhân chính là một lượng lớn đường cát nhập lậu từ Thái Lan qua đường biên giới Tây Nam ngả Campuchia, đang chiếm lĩnh 70 - 80% thị phần thị trường khu vực ĐBSCL.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Đường thế giới (ISO), hàng năm có tới 500.000 tấn đường nhập lậu được tuồn vào Việt Nam. Hiện 1kg đường RS của Việt Nam có giá bán buôn tại nhà máy khoảng 12.000 - 12.500 đồng, trong khi đường RE Thái Lan về tới Việt Nam bán ra tại thị trường các tỉnh Tây Nam bộ chỉ từ 11.500 đồng/kg đến dưới 12.000 đồng/kg. Chính vì vậy, đường nhập lậu Thái Lan đang từng bước "ép chết" nông dân trồng mía, nhà máy sản xuất đường của Việt Nam. Đây là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của ngành mía đường Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình trạng tồn kho của ngành đường, ngày 17/1/2014, Bộ Công Thương đã có Công văn số 29/BCT-BGMN gửi UBND tỉnh Lào Cai, Bộ NN&PTNT, VSSA về việc cho phép 10 doanh nghiệp (DN) XK tiểu ngạch 200.000 tấn đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Tuy nhiên, Bộ này chỉ cho XK tiểu ngạch đường kính trắng RS với thời hạn đến hết 30/6/2014; còn đường tinh luyện RE sẽ được phép XK khi đã đảm bảo nhu cầu sản xuất trong nước.
Thông tin trên đã khiến các DN sản xuất bất an. Ông Đỗ Thành Liêm cho rằng thật thiếu công bằng khi Bộ Công Thương cho phép 10 DN XK đường nhưng lại không cho VSSA biết là những DN nào; hạn ngạch XK đường của các DN cũng không được thông báo đến VSSA. Mặt khác, cả hai loại đường RE và RS đều bị dư thừa nhưng Bộ chỉ cho phép XK một loại đường là thiếu thực tế. Việc đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước không thể để cho ngành mía đường đang đầy rẫy khó khăn như hiện nay phải gánh chi phí dự trữ cho các DN chế biến thực phẩm.
Cũng theo ông Liêm, trước Tết, Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập khẩu 73.500 tấn đường RE và hiện vẫn còn tồn. Đến tháng 6/2014 lại cho nhập khẩu tiếp đường RE nhưng không cho XK đường RE sản xuất trong nước, vô tình làm đường RE bị ứ đọng lớn. Một mối lo khác là thời gian XK mà Bộ Công Thương cho phép được áp đến tháng 6/2014 sẽ vô hình trung tạo cơ hội cho các DN nước ngoài tận dụng cơ hội ép giá DN trong nước khi thời hạn XK gần hết. Chính vì vậy, VSSA đã kiến nghị không nên giới hạn thời gian XK.
Nhiều ý kiến cho rằng để cứu ngành mía đường, Nhà nước cần sớm ngăn chặn nạn đường lậu và có giải pháp hợp lý về vấn đề XK đường thừa. Có như vậy, nông dân mới yên tâm gắn bó với cây mía, các nhà máy mới có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thu Hường/ Thời báo kinh doanh
Không có nhận xét nào: