VINAGRI News - Bình Phước là thủ phủ của cây điều, nhưng những năm gần đây năng suất điều giảm, diện tích cây già cỗi lớn. “Trẻ hóa” cây điều là giải pháp cần thiết nhằm giữ vững diện tích, nâng cao năng suất và thu nhập cho người trồng điều, đảm bảo sự phát triển bền vững ngành điều của tỉnh.
Ông Hoàng Trọng Thủy ở thôn Thanh Long, xã Long Hà (Bù Gia Mập) thực hiện ghép chồi cho các hộ trồng điều ở các xã lân cận
Phương pháp ghép chồi “trẻ hóa” vườn điều đang được nhà nông áp dụng vì có nhiều ưu thế. Không chỉ rút ngắn thời gian chăm sóc, tiết kiệm chi phí mà năng suất điều cũng cao hơn trước. Đặc biệt, với cây điều ghép chỉ sau 2-3 năm là có một vườn điều mới mà không phải chặt bỏ những cây già cỗi.
Vườn điều già cỗi gần 20 năm của gia đình ông Hoàng Trọng Thanh, ở thôn Thanh Long, xã Long Hà (Bù Gia Mập) được thí điểm phương pháp ghép chồi. Ông Thanh cho biết: “Giống ghép lấy từ những cây trong vườn có năng suất cao, hạt to, không sâu bệnh. Gia đình đã ghép thử nghiệm 8 sào cho thu hoạch năm thứ 3, thấy năng suất trội hơn hẳn cây điều cũ. Trước khi ghép, một cây chỉ đạt khoảng 20kg, sau khi ghép đạt 50kg/cây. Công chăm sóc tập trung vào 5-6 tháng đầu nhằm tăng tỷ lệ sống và tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng nuôi cành non. Sau khi ghép khoảng 1 năm cành ghép phát triển như cây mới, đến năm thứ 2 đã cho thu hoạch với năng suất vượt cây cũ từ 1-2 tấn/ha. Thuận lợi nhất của việc cải tạo vườn điều bằng ghép chồi là rút ngắn thời gian trồng mới, năm đầu tiên cây đã cho trái bói. Trong năm đầu phải bỏ vốn nhiều vì chi phí chăm sóc, mỗi ha khoảng 20 triệu đồng gồm phân bón, thuốc trừ sâu”.
Ông Hoàng Văn Tần ở thôn 8, xã Long Hà ghép 86 cây trên diện tích 5 ha điều của gia đình. “Những cây già cỗi, sâu bệnh tôi cắt cành và ghép chồi mới, mỗi cây ghép khoảng 50 chồi, tỷ lệ sống đạt hơn 90%. Chồi non phát triển nhanh, cành khỏe, ra hoa đều, tỷ lệ đậu trái cao, hạt to, vỏ mỏng, nhân trắng, mỗi vụ ra bông 3 đợt. Hạt điều khô đạt 132 hạt/kg, trong khi giống điều cũ là 230-250 hạt/kg. Lúc chưa cải tạo thì 1 ha thu hoạch 7-8 tạ, cải tạo năm thứ 3, thu 3,5 tấn/ha. Để chồi non cũng như thân cây phát triển tốt cần bón đủ phân, tập trung bón vào giữa mùa mưa, xịt thuốc 4 lần/năm, khi điều sắp ra bông thì xịt thuốc kích thích đậu hoa, đậu trái, chú ý những cành non mới ghép vì dễ bị sâu bệnh” - ông Tần cho biết.
Ông Đỗ Thành Trung, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Bù Gia Mập cho biết: “Nên ghép chồi vào sáng sớm lúc cây đã hút đủ nước qua đêm. Thời gian ghép tốt nhất từ 6 đến 10 giờ, có thể cắt chồi ghép chuẩn bị từ chiều hôm trước. Không ghép cây lúc nắng to, cây dễ bị mất nước, mặt cắt mau khô hay sau khi trời vừa dứt mưa làm lá ướt, cây ghép dễ bị nhiễm trùng. Tỷ lệ sống cao nhất khi cây được ghép vào thời kỳ mưa ổn định và chồi ghép đủ tiêu chuẩn. Thời vụ ghép thích hợp nhất là từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm”.
Ông Vũ Đức Bộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã đầu tư, liên kết sản xuất nông sản bền vững Bình Phước cho biết: “Hợp tác xã đã và đang thử nghiệm ghép trên 300 ha điều ở các xã: Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài), Long Hà, Phú Nghĩa (Bù Gia Mập), Đồng Nai (Bù Đăng) bước đầu cho kết quả khả quan, năng suất cao hơn hẳn các vườn điều già cỗi. Dự kiến trong thời gian tới sẽ nhân rộng ra khoảng 1.000 ha trong toàn tỉnh”.
Ngân Hà/ Báo Bình Phước
Ngân Hà/ Báo Bình Phước
Không có nhận xét nào: