» » Tiêu Việt bị thương nhân nước ngoài “làm giá”

Trong khi trên thị trường thế giới, giá tiêu vẫn đứng ở mức cao suốt từ năm ngoái đến nay, đạt khoảng 8.200 - 8.500 USD/tấn (tương đương 170 - 180 triệu đồng/tấn) thì tình hình trong nước lại trái ngược, từ sau Tết đến giờ, giá tiêu “bốc hơi” 50 - 60 triệu đồng/tấn. Các nhà nhập khẩu thế giới đang làm giá đối với tiêu Việt Nam nhằm gom hàng với giá thấp, sau đó bán ra với giá cao.


Mỗi tấn hạt tiêu “bốc hơi” 50 triệu đồng

Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về sản lượng lẫn xuất khẩu (XK) hồ tiêu, chiếm 30% tổng sản lượng thế giới và 50% thị phần XK trong năm 2013. Vì thế, đáng lẽ nước ta phải điều tiết được giá tiêu trên thị trường để bán được với giá cao nhưng tình hình lại có vẻ trái ngược. 

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), do tác động của các nhà xuất nhập khẩu trong và ngoài nước nên giá tiêu đã giảm từ 160.000-170.000 đồng/kg vào thời điểm cuối năm 2013 xuống còn trên 120.000 đồng/kg hiện nay. Ngày 14/3/2014, giá tiêu tại Chư Sê (Gia Lai) là 123.000 đồng/kg; tại Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) 127.000 đồng/kg; Đắk Lăk - Đắk Nông 124.000 đồng/kg; Bình Phước125.000 đồng/kg. Một thương lái chuyên kinh doanh tiêu than thở: “Trước Tết nhà tôi mua gom 4 tấn, bây giờ giá như thế này tính sơ sơ cũng lỗ gần 80 triệu đồng”. 

Trong khi đó, giá tiêu tại thị trường Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… và các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu vẫn giữ nguyên mức giá cao từ cuối năm 2013 đến nay, với 8.300 USD/tấn tiêu đen và trên 10.000 USD/tấn tiêu trắng. Ngày 14/3/2014, tiêu đặc chủng MG1 Ấn Độ xuất khẩu có giá 8.700 - 8.750 USD/tấn (C&F) đi châu Âu và 8.900 - 8.950 USD/tấn (C&F) đi Mỹ.

Ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng VPA cho biết, hiện cả thế giới đang nhắm vào nguồn hạt tiêu ở Việt Nam. Các thương nhân kinh doanh tiêu nước ngoài tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận cho mình, bằng cách mua với giá có lợi nhất. Họ có “thủ đoạn” là khi nhập khẩu những mặt hàng nông sản, họ đơn phương giám định, kiểm tra chất lượng sản phẩm của mình, đưa ra các tiêu chuẩn sản phẩm về dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất… Nhưng không phải lúc nào các tiêu chuẩn đó được đưa ra một cách sòng phẳng và minh bạch, thường thì họ lấy đó như một cái cớ để ép giá. 

Theo ông Tụng, với vị thế chiếm lĩnh 50% thị phần tiêu thương mại toàn cầu, chỉ cần nông dân và doanh nghiệp (DN) Việt Nam đồng lòng, bán ra cầm chừng thì sẽ luôn giữ được giá cao. Tuy nhiên, áp lực đến hạn trả nợ ngân hàng, vật tư mua chịu trước đó vẫn đè nặng lên vai nhà nông nên trên thực tế, hầu như 70% số hộ trồng tiêu vẫn bán ra. Ông Tụng cho rằng, để ngành tiêu Việt Nam thực sự chủ động được giá cả trên thị trường thế giới thì nhiệm vụ này phải do Nhà nước cầm trịch, có được những chính sách hỗ trợ nông dân hợp lý. “Không cần phải bỏ tiền ra mua tạm trữ như lúa gạo hay càphê mà chỉ cần các ngân hàng tăng thời gian cho nông dân vay lên trên 12 tháng, chứ không chỉ từ 3-6 tháng như hiện nay. Bởi hồ tiêu một năm chỉ có một mùa vụ nên thời gian vay ít nhất phải bằng một chu kỳ trồng trọt thì bà con mới đủ sức chịu đựng, trữ thêm lại trong nhà 2 - 3 tháng sau thu hoạch. Khi đó mới có thể tránh được cảnh cứ đến mùa vụ là bị DN nước ngoài ép giá như lâu nay”, ông Tụng nói.

Cần bán ra cầm chừng

VPA vừa công bố báo cáo đánh giá về sản lượng hạt tiêu niên vụ 2014. Theo đó, từ ngày 4 -7/3/2014, Hiệp hội đã tổ chức đoàn doanh nghiệp đi khảo sát vụ tiêu 2014 tại các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai nhằm nắm kết qu­­­ả sản xuất, thu hoạch, dự báo năng suất, sản lượng, góp phần giúp các DN có kế hoạch định hướng mua bán, xuất khẩu sao cho hiệu quả. 

VPA đánh giá, sản lượng tiêu niên vụ 2014 của tỉnh Bình Phước ước giảm 15-20% so với 2013; tỉnh Đắk Nông ước tăng 20-25%; tỉnh Đắk Lắk ước tăng 5%; tỉnh Gia Lai ước giảm 25- 30%. Hầu hết các vườn tiêu đã khai thác 7-10 năm, đến nay đã già cỗi, năng suất giảm mạnh, dự báo sang năm càng giảm, nhất là tại Gia Lai, có hộ đã nhổ cọc bán, nhiều vườn tiêu bị chết hết, chỉ còn trơ trụ. Ở tỉnh Gia Lai xuất hiện trên diện rộng bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu bị nhiễm tuyến trùng không phát triển, kể cả tiêu mới trồng. Dự đoán 2-3 năm tới có nguy cơ hàng trăm hecta tiêu trên địa bàn tỉnh này có thể bị xóa sổ. Đến nay, tỉnh Bình Phước đã thu hoạch được 3/4 diện tích, các tỉnh Tây Nguyên cũng thu được 1/3 diện tích. Ước tính, tổng sản lượng tiêu niên vụ 2014 của cả nước khoảng 120.000-125.000 tấn.

Vào thời điểm này, VPA khuyến cáo nông dân nên trữ hàng lại vì giá tiêu trên thế giới vẫn ở mức cao, trong khi nhiều nơi đang mất mùa, kể cả Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp của thị trường, nông dân và DN cần bình tĩnh, phân tích, tính toán trong việc mua bán, lưu trữ nguồn hàng; từ đó, chủ động điều tiết lượng mua bán, xuất khẩu sao cho giá tốt nhất. Nông dân cần hạn chế hoặc không bán tiêu giấy để tránh tình trạng khi giao hàng giá tăng dẫn đến thua lỗ. 

Theo VPA, xu hướng của thế giới là sử dụng sản phẩm sạch. Vì vậy, nông dân cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đi vào sản xuất chuyên canh theo hướng hữu cơ bền vững. Hiệp hội cũng khuyến cáo bà con phải tự cứu lấy chính mình bằng cách chuyển từ canh tác tự phát sang canh tác bền vững. Giảm và hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Có như vậy, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam mới giữ vững vị trí hàng đầu trên toàn thế giới như hiện nay. Khi các sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc thì nhà nhập khẩu không có lý do gì để ép giá thành sản phẩm.

Năm 2013, xuất khẩu hồ tiêu cả nước ước đạt 134.000 tấn với giá trị kim ngạch 899 triệu USD, tăng gần 15% về lượng và tăng hơn 13% về giá trị so với năm 2012. Hiện, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tiêu số một của Việt Nam, với kim ngạch liên tiếp đạt mức tăng trưởng cao. Tiếp theo là thị trường Đức, Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE)… Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 2/2014 ước đạt 9.190 tấn, với giá trị 132 triệu USD, giảm 8,1% về khối lượng và 5,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu tiêu sang thị trường Singapore, Mỹ và Ấn Độ, 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2014 chiếm 46,86% thị phần. Trong số 25 thị trường chủ yếu tiêu thụ hạt tiêu của Việt Nam thì Singapore là thị trường đứng đầu về kim ngạch, chiếm 25,74% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này; đứng thứ 2 là thị trường Hoa Kỳ, chiếm 14,06%; tiếp sau là thị trường Ấn Độ, chiếm 7,06%...

Theo ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, với vị thế chiếm lĩnh 50% thị phần tiêu thương mại toàn cầu, chỉ cần nông dân và doanh nghiệp Việt Nam đồng lòng, bán ra cầm chừng thì sẽ luôn giữ được giá cao.

Chu Khôi/ Báo Kinh tế nông thôn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: