Do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, hiện nay, trên nhiều diện tích lúa Đông Xuân (ĐX) 2013 - 2014 đang bị các loại rầy nâu - rầy lưng trắng, đạo ôn, sâu cắn gié… gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV - thuộc Sở NN-PTNT), về các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Ông có thể cho biết về tình hình sâu bệnh đang phát sinh gây hại lúa ĐX trên địa bàn tỉnh hiện nay ?
- Thời gian gần đây, do diễn biến thời tiết khá phức tạp, sáng sớm có sương mù, buổi trưa trời nắng gắt, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm khá cao, khiến nhiều loại sâu bệnh có điều kiện thuận lợi sinh sản. Qua kiểm tra đồng ruộng, các loại sâu bệnh như rầy nâu- rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu cắn gié, bệnh khô vằn…, đang phát sinh và gây hại lúa ĐX tại một số địa phương trong tỉnh.
Đáng chú ý là lứa rầy nâu - rầy lưng trắng phát sinh từ đầu tháng 3 đến nay với tổng diện tích lúa bị nhiễm rầy trên 100 ha, mật độ nhiễm rầy phổ biến từ 750 - 1.500 con/m2, tập trung tại các huyện An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, thị xã An Nhơn. Diện tích ruộng ở một số địa phương có mật độ rầy khá cao, từ 3.000 - 5.000 con/m2, có nơi cao từ 5.000 - 10.000 con/m2 như: Phù Cát 10 ha, An Nhơn 10 ha, Tuy Phước 9,5 ha, Tây Sơn 3,3 ha…
Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông cũng đã phát sinh trên các cánh đồng lúa của các huyện An Lão, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ. Tỉ lệ bệnh phổ biến gây hại từ 1-5%, nơi cao đến 10%. Ngoài ra, bệnh khô vằn gây hại diện tích lúa 123 ha trên chân 3 vụ giai đoạn chín, thu hoạch. Sâu cắn gié gây hại 10 ha phát sinh trên diện tích lúa trổ vào chắc tại Hoài Nhơn. Bệnh đốm nâu, đen lép hạt phát sinh gây hại trên diện tích 74 ha tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Vân Canh… Theo dự tính, dự báo, từ nay đến cuối vụ, các đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn, khô vằn… tiếp tục phát sinh gây hại lúa ĐX.
Chi cục BVTV đã triển khai các phương án phòng, chống sâu bệnh hại lúa như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, Chi cục BVTV đã có thông báo về tình hình sâu bệnh phát sinh gây hại lúa và hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng trừ đến từng địa phương trong tỉnh. Đồng thời, chúng tôi cũng tham mưu Sở NN-PTNT về tình hình sâu bệnh gây hại lúa và biện pháp phòng trừ để ngành chỉ đạo phòng chống kịp thời. Chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn các xã, tăng cường công tác điều tra phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại chính trên lúa như: rầy nâu - rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, sâu cắn gié, bệnh đốm nâu, đen lép hạt… Tiến hành nắm chắc diện tích lúa bị sâu bệnh gây hại để thông báo, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ kịp thời.
Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn).
Chi cục cũng phối hợp với các Trạm BVTV huyện kết hợp với Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông… chỉ đạo địa bàn từng xã, HTX, mở các lớp tập huấn hướng dẫn thuốc đặc trị và biện pháp phòng trừ tại từng huyện, xã để bà con nông dân nắm bắt thông tin kịp thời. Nhờ vậy, đến nay, các diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh đã được cơ quan chức năng hướng dẫn biện pháp phòng trừ, không để lây lan ra diện rộng…
Ông có lưu ý gì với bà con nông dân trong việc phòng, chống sâu bệnh hại lúa thời điểm từ nay đến cuối vụ sản xuất?
- Theo dự tính, dự báo của Chi cục, từ nay đến cuối tháng 3, trên diện tích lúa ĐX, rầy nâu, rầy lưng trắng vẫn còn tiếp tục nở rộ sẽ gây hại trên diện rộng với lúa chân 3 vụ từ giai đoạn trỗ đến chắc xanh và chân 2 vụ sắp thu hoạch. Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh đen lép hạt, đốm nâu, thối thân thối gốc, bệnh khô vằn, sâu cắn gié… tiếp tục phát sinh gây hại lúa ĐX.
Nhằm ngăn chặn và giảm thiểu dịch bệnh bùng phát, bà con nông dân nên lưu ý: Khi phát hiện rầy nâu - rầy lưng trắng có mật độ từ 1.500 - 2.000 con/m2 (2-3 con/dảnh lúa) thì dùng một trong các loại thuốc đặc trị rầy sau đây để phun: Thuốc Chess 50WG, liều lượng 3 gói (7,5 gam/gói) thuốc pha 24 lít nước phun 1 sào (500 m2). Chú ý, chỉ phun khi lúa ở giai đoạn ngậm sữa trở về trước. Thuốc Bassa 50EC (hoặc Hoppecin 50EC), liều lượng 100ml thuốc pha với 32 lít nước phun 1 sào. Đối với ruộng có mật độ rầy cao trên 6.000 con/m2, rầy có nhiều giai đoạn phát dục (có cả rầy non và rầy trưởng thành), nguy cơ cháy rầy cao có thể kết hợp 100ml Bassa 50ND (hoặc Hoppercin 50EC) + 50ml Sutin 5EC pha 32 lít nước phun cho 1 sào. Sau khi phun từ 3 - 5 ngày, tiến hành kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy rầy còn sót lại (mật độ trên 1.500 - 2.000 con/m2) thì phun lại lần 2. Thuốc phun lần 2 khác với lần 1. Phun thuốc phải bảo đảm lượng nước ướt đều trên thân, gốc lúa. Nên phun vào chiều mát hoặc sáng sớm, giữ nước trên ruộng từ 5 - 15cm.
Đối với bệnh khô vằn, dùng Validacin 3L liều lượng 50cc thuốc pha 30 lít nước phun 1 sào; Anvil 5SC liều lượng 30cc thuốc pha 30 lít nước, phun 1 sào. Sâu keo, sâu cắn gié sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun: Peran 50EC, liều lượng 30ml thuốc pha 24-30 lít nước phun 1 sào; Proclaim 1.9EC liều lượng 20ml thuốc pha 24-30 lít nước phun 1 sào; Nurelle D 25/2.5EC, liều lượng 50cc thuốc pha 30 lít nước phun 1 sào…
Cảm ơn ông!
Nguyễn Hân/ Báo Bình Định thực hiện
Không có nhận xét nào: