Việt Nam đã bắt đầu chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo (quy ra lúa) từ ngày 15-3 vừa qua và ngay lập tức, giá lúa trên thị trường đã tăng 100 đồng/kg. Nhưng liệu giá lúa có tăng bền vững hay cũng như những năm trước, sẽ giảm trở lại chỉ sau một thời gian ngắn? Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xung quanh vấn đề này.
Ông Trương Thanh Phong
Trong lần trò chuyện với SGTT mới đây, ông có nói vấn đề tạm trữ lúa gạo vẫn đang để ngỏ nhưng giờ tại sao Chính phủ lại đột ngột thông qua chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo?
- Thực ra, theo Nghị định 109 về kinh doanh và xuất khẩu gạo, vấn đề tạm trữ lúa gạo chỉ thực hiện một khi giá lúa thấp hơn giá thành sản xuất. Do đó, nếu căn cứ vào giá lúa bán tại ruộng trong thời gian vừa qua thì chưa cần phải tạm trữ vì giá lúa đang cao hơn giá thành.
Vài tuần nữa, các tỉnh, thành ở ĐBSCL bắt đầu vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân. Lúc này, lượng lúa thu hoạch sẽ tăng và ít nhiều kéo giá đi xuống. Chính vì thế Chính phủ mới quyết định cho tạm trữ một 1 tấn gạo.
Tuy nhiên, Chính phủ chỉ mới hỗ trợ 100% lãi suất trong thời hạn 4 tháng, còn phần chênh lệch giá thì doanh nghiệp vẫn phải chịu. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp e dè trong việc tham gia mua lúa, gạo tạm trữ vì sợ thua lỗ do mua lúa với giá cao nhưng bán ra với giá thấp như năm 2013.
Ông giải thích thế nào về việc VFA đã nhiều lần phát đi thông tin rằng thị trường thế giới đang có dấu hiệu cung vượt cầu và giá xuất khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, khiến doanh nghiệp không mặn mà với chuyện mua tạm trữ nhưng vẫn phải thực hiện?
- Hiện hiệp hội đã có công văn gửi các doanh nghiệp yêu cầu họ đăng ký số lượng mua, sau đó hiệp hội sẽ gửi thông tin này đến các địa phương để họ trực tiếp giám sát chuyện mua tạm trữ của doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Khác với những lần trước, lần này, chúng tôi để các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký dựa trên tình hình kho chứa, hợp đồng xuất khẩu đã ký và dự kiến sẽ ký chứ không bắt buộc đăng ký con số cụ thể.
Như vậy thì liệu chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo có bị thất bại?
- Năm 2013, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị thua lỗ. Để không làm khó cho doanh nghiệp, năm nay hiệp hội không bắt buộc doanh nghiệp phải mua tạm trữ nếu họ cảm thấy có thể bị thua lỗ. Trong trường hợp xấu nhất, tức là số lượng đăng ký mua tạm trữ của các doanh nghiệp quá ít thì phần còn lại trong 1 triệu tấn gạo sẽ do Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam mua.
Mấy ngày qua, khi có thông tin mua tạm trữ thì giá lúa đã tăng khoảng 100 đồng/kg. Liệu tình hình có lặp lại như những năm trước, tức khi bắt đầu triển khai chương trình mua tạm trữ thì giá lúa tăng nhưng chỉ được vài tuần lại giảm xuống?
- Việc giá lúa tăng hay giảm trong thời gian mua lúa tạm trữ của doanh nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Hiện tại, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia xuất khẩu lẫn nhập khẩu gạo đều nhìn vào những diễn biến tại Thái Lan và Trung Quốc để chuẩn bị kế hoạch mua bán thích hợp.
Theo dự báo của VFA, thời gian tới giá gạo của Thái Lan sẽ giảm còn một nửa, từ 15.000 bath/tấn xuống còn 7.000-8.000 bath/tấn (1 bath tương đương 600 đồng) sau khi nước này chấm dứt chương trình hỗ trợ nông dân từ ngày 1-3 và gặp sức ép phải bán gạo để trả tiền cho nông dân. Với Trung Quốc, nước đang nhập khẩu gạo lớn nhất ở châu Á, cũng vậy. Những động thái mua bán của quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ quyết định giá gạo trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay hai quốc gia này vẫn chưa có diễn biến gì rõ rệt nên chúng tôi cũng không thể nói trước được.
Trước đây, ông từng nói việc mua tạm trữ lúa gạo đã không còn phù hợp. Vậy, theo ông cách nào là phù hợp nhất trong thời điểm hiện nay để người nông dân và doanh nghiệp đều có lợi từ hạt lúa?
- Đúng là hai năm trở lại đây, việc mua tạm trữ lúa, gạo đã không còn phù hợp nữa. Hiện nay chúng tôi đang có nhiều phương án để thay thế nhưng do thiếu nguồn lực tài chính nên vẫn chưa thực hiện được.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Hùng/ Báo SGTT thực hiện
Không có nhận xét nào: