» » » Sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính

VINAGRI NewsNgành nông nghiệp An Giang đã từng bước kiên trì SX nông nghiệp thực hiện “3 năm 8 vụ” để giảm bớt khí phát thải nhà kính.

SX lúa giảm bớt khí phát thải nhà kính ở Châu Thành, An Giang

Sở NN-PTNT An Giang kết hợp với Tổ chức JIRCAS và Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo “Phát triển kỹ thuật nông nghiệp ĐBSCL để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH”. Giải pháp kỹ thuật tưới tiêu tiết kiệm nước, tăng năng suất lúa và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần thích ứng với BĐKH là vấn đề mà dự án đã thực hiện tại huyện Châu Thành, An Giang.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm, Trường Đại học Cần Thơ, mục tiêu của dự án là nghiên cứu các kỹ thuật tưới tiêu tiết kiệm nước, tăng năng suất lúa và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. So sánh khả năng phóng thích CH4 và N2O của 3 phương pháp tưới tiêu cho lúa, tưới theo kiểu truyền thống (cho ngập liên tục), tưới tiêu luân phiên theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh và tưới theo kinh nghiệm của nông dân đang áp dụng.

Theo báo cáo của JIRCAS, năm 2011 các hoạt động SX nông nghiệp đã tạo ra 15% tổng số khí thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần làm cho trái đất nóng lên gây ảnh hưởng nhiều mặt, kể cả nông nghiệp. Việc phát triển các kỹ thuật nông nghiệp giúp gia tăng sản lượng nông nghiệp nhưng ít gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với BĐKH là vô cùng cần thiết.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: An Giang có thế mạnh về SX lúa, diện tích trồng lúa trong năm 2013 trên 600 ngàn ha, năng suất ở mức cao, trung bình khoảng 6,3 tấn/vụ và sản lượng lúa đạt khoảng 4 triệu tấn. Để phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH mà có thể thấy qua hiện tượng cực đoan như quá nóng, quá lạnh, lũ bất thường…. chúng ta phải nghiên cứu để ứng phó hàng loạt vấn đề.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang đã từng bước kiên trì SX nông nghiệp thực hiện “3 năm 8 vụ” để giảm bớt khí phát thải nhà kính và tham gia Dự án CLUES, VLCRP-EDF. Sở cũng có dự án quản lý nước và BĐKH do AussAid tài trợ.

Hiện nay, dự án của JIRCAS được triển khai tại xã Hoà Bình, Châu Thành, các mô hình quan trắc, thu mẫu khí, gây hiệu ứng nhà kính từ ruộng lúa, với diện tích 50 ha. Qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về phát thải khí nhà kính trong ruộng lúa, từ đó lựa chọn giải pháp phù hợp để canh tác góp phần làm tăng thu nhập cho người trồng lúa, tạo nền tảng để phát triển nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phương pháp canh tác phù hợp mang lại hiệu quả nhất mà giảm được phát thải khí nhà kính. Là nông dân tham gia trong vùng dự án, ông Nguyễn Ngọc Trang chia sẻ cách thu mẫu khí, các quy trình thu khí, quản lý nước, cách tính năng suất…

Qua đó, thấy được những lợi ích mà dự án mang lại trong 2 vụ vừa qua khi áp dụng chương trình đúng theo kỹ thuật mà cán bộ hướng dẫn, trong đó kỹ thuật tưới khô xen kẽ giảm được lượng nước tưới cũng như giảm giá thành SX, tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân có ý kiến cho rằng, khi tham gia đã được dự án hỗ trợ một phần kinh phí thất thoát về năng suất. Tuy nhiên, cũng còn một số nông dân gặp khó khăn như mô hình SX theo ruộng đối chứng, thì khâu thu hoạch chi phí sẽ cao hơn, do ruộng ngập nước liên tục trong suốt vụ làm cho đất bị lầy, hạn chế sử dụng máy móc, nên thu hoạch thủ công.

Riêng về các dụng cụ thiết bị lấy mẫu cũng đã được hội thảo quan tâm đề xuất thay đổi. Về phía dự án, ông Tomohiko Taminato đã đồng ý hỗ trợ thêm kinh phí với những ý kiến đề xuất trên.

Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục BVTV An Giang cho biết: Việc áp dụng mô hình tưới khô xen kẽ đã được triển khai thành công vào năm 2005, tại An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang và Đồng Tháp. Việc áp dụng phương pháp này giảm được từ 25 - 50% số lần bơm nước và giảm tỷ lệ lúa đổ ngã, cây lúa cứng cáp, bông lúa dài và nhiều hạt chắc hơn từ đó năng suất cũng cao hơn 0,5 tấn/ha so với việc áp dụng theo phương pháp truyền thống. Từ đó đã tạo tiền đề để xây dựng mô hình “1 phải 5 giảm”.

Qua nghiên cứu của dự án cho thấy, khi áp dụng tưới khô xen kẽ và canh tác theo phương pháp hiện tại lúa cho năng suất cao, đồng thời mang lại hiệu quả tốt cho việc giảm lượng phát thải khí nhà kính so với phương pháp tưới ngập liên tục trong suốt vụ SX lúa.

Trang Nghiêm/ nongnghiep.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: