VINAGRI News - Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua luôn đạt mức cao, nhờ đó nước ta được xếp hàng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, tin vui này chưa được trọn vẹn đối với bà con nông dân một nắng hai sương dầm mưa dãi nắng sản xuất lúa gạo cho an ninh lương thực quốc gia và một phần cho thế giới nhưng hưởng thụ lại chưa thỏa đáng.
Nông dân Đồng Tháp phơi lúa trước nhà máy xay xát. Ảnh: Cao Thăng
Cực nhất nhưng hưởng lợi ít nhất
Nông dân chưa vui vì trong chuỗi giá trị lúa gạo gia tăng, nông dân cực nhất mà lại hưởng lợi ít nhất, vì đảm nhiệm toàn bộ khâu sản xuất lúa, đến vận chuyển, làm sạch, làm khô và thường là cả dự trữ, là những khâu trong sản xuất kinh doanh lúa gạo thường gặp nhiều rủi ro nhất. Đã vậy, giá vật tư sản xuất lại tăng không ngừng, nhiều khi kém chất lượng, thậm chí là hàng dỏm. Nông dân mong khoảng cách giữa giá nông dân bán ra gần với giá gạo công ty xuất khẩu; nông dân mua vật tư kỹ thuật như giống lúa, phân bón, thuốc sát trùng với giá gần với giá nhà máy xuất bán tại cổng nhà máy. Tương tự vậy, người thành thị ăn gạo với giá gần với giá nông dân bán ra, vì thị trường trong nước về lúa gạo chưa được quan tâm đúng mức. Các nhà khoa học và nhà quản lý rất cảm thông và đồng tình với bà con.
Ngoài nông dân là thành phần cốt lõi trong sản xuất lúa gạo xuất khẩu, hiện còn có các thành phần khác là: thu gom (thương lái, hàng xáo, lái lúa, cò lúa); các nhà máy xay chà đánh bóng và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Hiện nay hoạt động của các thành phần trên nói chung chưa thực sự liên kết, chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau một cách có hiệu quả để cùng có lợi, có khi còn “xù” hợp đồng, nhất là đội ngũ thu gom nhiều khi gian lận trong cân đong, tìm cách ép giá khi mua lúa. Có lúc cơ quan chức năng thực hiện “mua tận gốc, bán tại ngọn”, loại bỏ hàng sáo, cho họ là tư thương xấu xa. Nhưng không làm nổi vì lỗ vốn lớn do cách làm tập trung quan liêu bao cấp, nên chẳng bao lâu lại phải để cho hàng sáo làm, hay trả việc này về cho dân.
Vì những lẽ trên, mọi cách hướng vào lợi ích của nông dân cần được nghiên cứu và phát huy. Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ở An Giang thực hiện bởi Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang đã bắt đầu ló dạng lời giải có thể hóa giải được nhiều khúc mắc trên.
Cách làm mới
Cách làm của Công ty cổ phần BVTV An Giang là xây dựng những nhà máy hiện đại chế biến lúa gạo hàng hóa công suất lớn; hợp tác liên kết với nông dân hình thành những vùng nguyên liệu bao gồm diện tích lúa của các nông hộ tham gia thực hiện cánh đồng lúa mẫu lớn, nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu lúa thuần giống cho nhà máy hoạt động; thành lập đội ngũ cơ hữu gồm những kỹ sư trẻ “cùng nông dân ra đồng” vừa làm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo thời vụ; vừa chỉ dẫn nông dân mua vật tư (giống, phân bón, thuốc sát trùng) đúng chất lượng, đúng giá ở các đại lý; vừa giúp nông hộ thực hiện hợp đồng với Công ty cổ phần BVTV An Giang bao tiêu sản phẩm.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân ĐBSCL nâng cao thu nhập. Ảnh: Duy Bằng
Hiệu quả thực tế của những hoạt động liên kết trên đã thể hiện ở các nông hộ ở vùng nguyên liệu lúa được sản xuất theo hợp đồng với công ty. Nông dân không phải lo mua vật tư dỏm, không lo phơi lúa gặp mưa, không lo bán lúa bị hớ, không bị tư thương ép giá, hay không phải đối đầu với những trở ngại đã được mô tả một phần như trên. Tôi có dịp tiếp xúc trực tiếp với hàng chục nông dân quanh nhà máy chế biến lúa gạo Vĩnh Bình và Thoại Sơn, bà con khẳng định điều đó, và chưa có ai “xù” hợp đồng dù có khi bán lúa ra ngoài có thể được giá cao hơn.
Mới chỉ có 2 - 3 năm triển khai dự án này nhưng công ty đã xây dựng được 4 nhà máy cùng phương thức hoạt động đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, bằng cách xây dựng cánh đồng lúa mẫu lớn trên tổng diện tích khoảng 6 vạn hécta lúa. Công ty đang mở rộng dự án lên 8 nhà máy trong vài năm tới, cùng diện tích vùng nguyên liệu tăng lên hàng trăm ngàn ha lúa. Có lần, chúng tôi dùng cơm trưa miễn phí cùng với CB-CNV nhà máy Vĩnh Bình và Thoại Sơn ở nhà ăn tập thể, nhìn ra cánh đồng lúa mẫu lớn phẳng lì như mặt gương do đã dùng công nghệ cao tia laser trong khâu san phẳng ruộng. Bà con nông dân ngồi chung bàn ăn cho biết từ nhiều năm qua đã dùng dàn kéo sạ lúa theo hàng theo mẫu của IIRRI do Viện Lúa ĐBSCL mang từ Philippines về cải tiến và nghiên cứu phát triển; được ngành nông nghiệp chỉ đạo mở rộng diện tích áp dụng ra tận cả ngoài Bắc, đến tới vùng núi phía Bắc. Công việc đồng áng ở vùng nguyên liệu đã cơ giới hóa, nông dân dễ dàng thuê mướn, nhưng lại dôi dư lao động có thể phát triển ngành nghề tăng thêm thu nhập.
Tôi có dịp đi tham quan, học tập cách đây nhiều năm và thấy ở Malaysia, nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp như ở Việt Nam hiện nay. Sau khi đóng bao tại ruộng, ô tô chuyển thẳng về nhà máy xay chà, nông dân được trả tiền ngay qua hệ thống ATM sau khi nhà máy xác định độ sạch và độ ẩm nhanh chóng. Khi cần gạo ăn, ai bán thóc cho nhà máy được giảm giá tới 40% giá thị trường mà không vi phạm quy định nào của WTO.
Khi tham quan một số nông trại sản xuất lúa đã công nghiệp hóa cao và ở nhiều khâu đã dùng công nghệ cao, như ở một nông trại rộng 6.000ha ở Australia, 250.000ha ở Italia, cũng không có đội ngũ trung gian thương lái và cả những quan hệ trung gian khác. Bởi vì cả 4 thành phần tham gia sản xuất kinh doanh lúa gạo (nông dân, thương lái, xay chà, xuất khẩu) như ở ta hiện nay, ở đó họ quy lại còn một. Ở vùng nguyên liệu lúa của Công ty cổ phần BVTV An Giang, đội ngũ thương lái mua buôn lúa đã dùng tàu thuyền của mình đi chở thuê cho công ty. Họ cho biết thu nhập không kém, lại ổn định, không gặp rủi ro như trước.
Còn nhiều việc cần làm để phát huy tác dụng mối liên kết sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong và ngoài phạm vi vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu. Nhưng bằng hoạt động thực tế của mình, Công ty cổ phần BVTV An Giang đã bắt đầu phác họa một bức tranh hiện thực nền sản xuất lúa hiện đại phù hợp với điều kiện của Việt Nam đất ít, người đông.
GS-TS Nguyễn Văn Luật (Nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: