Sau khi dư luận phản ánh về việc một số siêu thị đưa rau “bẩn” vào bán với “mác” rau an toàn (RAT)…, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có quá nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý kinh doanh mặt hàng này.
Công tác quản lý kinh doanh RAT còn nhiều lỗ hổng
Nhập nhèm chất lượng
Mới đây, dư luận rộ lên thông tin RAT được Hợp tác xã (HTX) rau ở Vân Nội, Đông Anh cung ứng cho Metro được nhập từ nhiều nguồn khác nhau và không đảm bảo chất lượng theo đúng quy định khiến người tiêu dùng hoang mang trước những sản phẩm mang tên “RAT”. Ngay sau đó, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội và Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã đến tận các cơ sở sản xuất, cung ứng rau để kiểm tra quản lý về an toàn thực phẩm, từ sản xuất đến sơ chế. Đồng thời, đến các siêu thị để kiểm tra chất lượng và quy trình nhập, kiểm soát chất lượng đầu vào... Mặc dù chưa có kết luận chính thức, song Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất - kinh doanh rau ở các cơ sở này.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: "Nhiều loại rau trái mùa còn được các cơ sở sản xuất kinh doanh nhập từ Trung Quốc, chế biến, đóng túi và dán nhãn RAT là trở thành rau an toàn."
Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: “Không riêng Vân Nội mà nhiều HTX, cơ sở sản xuất RAT cũng “nhập nhèm” đưa rau bẩn vào các siêu thị, nhà hàng, các bếp ăn tập thể…”. Một nhân viên của Big C cho biết, trong quầy rau của siêu thị có rất nhiều loại rau: RAT sẽ được cho vào bao bóng dán nhãn; loại rau thông thường, hay còn gọi là rau “hàng xá” được bó hoặc cho vào túi nhưng không dán nhãn. Tuy nhiên, với cách làm này, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là rau thông thường, đâu là rau “hàng xá”.
Ai quản rau an toàn?
Theo thông tư 59 của Bộ NN&PTNT quy định: Rau, quả an toàn là sản phẩm được sản xuất, chế biến phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm hoặc phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn… Tuy nhiên, không phải cơ sở sản xuất RAT nào cũng thực hiện theo quy định này. Tại Big C và nhiều siêu thị khác đều có những quy định cụ thể đối với nguồn hàng nhập vào. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh muốn đưa sản phẩm vào siêu thị phải có giấy phép kinh doanh, có giấy chứng nhận sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Hàng vào siêu thị được nhân viên kỹ thuật kiểm soát, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ cho text (kiểm tra) nhanh. Thế nhưng, nếu chỉ bằng cảm quan khó có thể phát hiệu rau có dấu hiệu bất thường, lại càng khó phân biệt rau RAT với rau không an toàn… Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, quản lý lỏng lẻo là trách nhiệm của chính quyền địa phương, còn khi hàng đã vào siêu thị hay bán ra thị trường là trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường…Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội - bày tỏ: Hiện chúng tôi chỉ quản lý, tập huấn và hướng dẫn cán bộ xã kiểm tra, giám sát, khắc phục tồn tại... Trường hợp vi phạm lớn mới chuyển lên cấp huyện, hoặc lên chi cục.
Sở Công Thương Hà Nội đưa ra ý kiến: Kiểm tra chất lượng về RAT không phải trách nhiệm của ngành Công Thương. Với rau, ngành nông nghiệp cấp giấy và có trách nhiệm kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, lực lượng quản lý thị trường chỉ kiểm tra nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ còn chất lượng thuộc về Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT.
Trong khi “quả bóng trách nhiệm” bị đẩy khắp nơi thì người tiêu dùng vẫn chịu mọi hậu quả về rau không an toàn.
Thanh Hải/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: