VINAGRI News - Nhiều nông dân “tố” Công ty cổ phần mía đường La Ngà và Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An không thu hoạch kịp thời nên hàng ngàn hécta mía bị chết khô. Điều này dẫn đến năng suất, chữ đường của mía giảm, gây thiệt hại kép cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Mận (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) bên rẫy mía bị khô, chết nhưng chưa được thu hoạch.
Một số hộ dân trồng mía ở ấp 7, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) còn phản ánh đang bị Công ty cổ phần mía đường La Ngà nợ trên 300 triệu đồng tiền công chăm sóc mía từ hơn 1 năm trước nhưng không chịu trả khiến họ rơi vào cảnh nợ nần. Trong khi đó, phía công ty lại khẳng định không nợ tiền mía của nông dân.
Ai nợ nông dân?
Theo phản ánh của người dân xã Phú Ngọc, niên vụ mía 2012 - 2013, Công ty cổ phần mía đường La Ngà đứng ra thuê 9 hộ dân ở ấp 7, xã Phú Ngọc thực hiện các công đoạn chăm sóc mía của công ty. Tuy nhiên, sau khi người dân thực hiện, công ty lại không chi trả đầy đủ tiền công. Bà Nguyễn Thị Mận (xã Phú Ngọc), bức xúc: “Công ty cổ phần mía đường La Ngà thuê tôi thực hiện trồng mới, tưới nước chăm sóc, bón phân cho 49 hécta mía với mức tiền công 345 triệu đồng. Sau khi làm xong, phía công ty mới chi trả cho tôi 203 triệu đồng và nợ tôi 142 triệu đồng”. Cũng theo bà Mận, sau khi nhận khoán từ công ty mía đường, bà thuê thêm 30 nhân công cùng làm. Việc công ty không trả tiền đúng hẹn đã khiến bà phải vay ngân hàng và các mối nặng lãi ở ngoài để trả tiền công. Ngoài bà Mận, hiện có 9 hộ dân đang bị nợ tiền công chăm sóc mía, tổng số tiền là 341 triệu đồng.
Chiều ngày 1-3, ông Nguyễn Văn Tải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà, khẳng định: “Công ty không nợ tiền công chăm sóc mía của nông dân. Việc nợ tiền chăm sóc mía của các hộ trên là do một số cán bộ trong công ty nhận khoán đất trồng mía của công ty rồi thuê người làm, sau đó chưa thanh toán cho họ. Còn việc công ty chưa thanh toán đầy đủ cho các chủ nhận khoán trồng mía trực tiếp từ công ty là do họ chưa làm đầy đủ giấy tờ hồ sơ để quyết toán”. Ông Tải nhấn mạnh thêm, mỗi năm công ty bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho nông dân trong tỉnh trồng mía, không có lý do nợ vài trăm triệu đồng tiền chăm sóc mía của nông dân không trả.
Ngày 2-3, trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên cho hay: “Đến thời điểm này, huyện chưa nhận được đơn phản ánh của nông dân về việc Công ty cổ phần mía đường La Ngà nợ tiền. Do đó, chính quyền huyện chưa thể can thiệp và làm rõ xem có hay không chuyện nợ nần”.
Nhà máy chậm mua, mía chết khô
Bên cạnh đó, nhiều nông dân cho biết, các nhà máy chậm mua mía đã khiến hàng ngàn hécta mía có nguy cơ chết khô. Ông Nguyễn Bá Dũng, ấp 7, xã Phú Ngọc, than thở: “Đã vào đầu tháng 3 mà mía chưa được thu hoạch, chết khô hàng loạt, kéo theo sản lượng và chữ đường giảm, thất thu rất lớn”.
Chung cảnh ngộ, bà Lê Thị Bé cũng đang rơi vào tình trạng “trắng tay” do chưa được Công ty cổ phần mía đường La Ngà thu hoạch mía. Bà cho biết: “Ngày nào mía còn nằm trên rẫy thì nguy cơ lỗ vốn càng cao. Năm ngoái thu hoạch chậm nên mỗi tấn mía của tôi chỉ đạt 9 chữ đường, năm nay mía chết khô nhiều, thu hoạch lại chậm hơn năm ngoái nên may lắm mỗi tấn chỉ đạt từ 7- 8 chữ đường”.
Đồng Nai có 2 công ty sản xuất mía đường là Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) và Công ty cổ phần đường Biên Hòa. Các công ty này cho biết giá đường giảm mạnh, ế ẩm, với giá mua mía như hiện nay doanh nghiệp chỉ cố gắng huề vốn. Mía khô, nông dân hết lời, các công ty cũng rất lo lắng vì sợ nông dân bỏ trồng mía, sẽ mất dần vùng nguyên liệu.
Tình trạng này cũng diễn ra tại các vùng mía của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An. Ông Trương Hùng Dũng, ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) nói: “Tôi còn hơn 100 hécta mía đã khô, chưa được Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An thu hoạch, bị thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng”.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Ngà, Phó giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, giải thích: “Để giảm bớt thiệt thòi cho nông dân do mía khô, vụ mía này nhà máy tăng công suất thêm 300-400 tấn/ngày. Và năm nay đến giữa tháng 4 sẽ kết thúc vụ thu hoạch mía, nhanh hơn vụ mía trước khoảng nửa tháng. Nếu rút ngắn thêm thời gian thu hoạch và sản xuất thì nhà máy sẽ lỗ vì không công ty nào đầu tư công suất lớn để chỉ sản xuất trong 2-3 tháng”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà, cho hay: “Các nhà máy sản xuất mía đường trong nước sản xuất trong vòng 150 ngày. Vụ mía đường 2013-2014, ép trễ nhưng công ty đang tăng công suất, đến đầu tháng 4 sẽ thu hoạch xong mía cho nông dân. Việc thu hoạch mía trễ không chỉ nông dân thiệt mà doanh nghiệp cũng ảnh hưởng. Tất cả nông dân cùng đòi thu hoạch đầu vụ là không thể, vì không nơi nào nhà máy mía đường chỉ hoạt động trong vòng 2 tháng”.
Hương Giang - Minh Anh/ Báo Đồng Nai
Không có nhận xét nào: