Ngày 28.3, tại Hội thảo quốc gia “Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam”, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại từ sản xuất, kinh doanh đến quản lý, nhất là lãng phí trong sử dụng phân bón.
50% mẫu không đạt yêu cầu
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, nước ta hiện có 26 triệu ha đất nông nghiệp, nhu cần sử dụng phân bón trung bình khoảng 10,3 triệu tấn/năm, trong đó các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất được khoảng 8 triệu tấn, còn lại là nhập khẩu. Hiện có hơn 5.000 loại phân bón có trong danh mục, do số lượng quá nhiều nên không thể truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp. Qua phân tích cho thấy, trong năm 2013, có tới hơn 50% số lượng mẫu phân bón không đạt yêu cầu hoặc một số chỉ tiêu không đạt như công bố trên nhãn.
Do không được đào tạo về cách sử dụng phân bón nên nhiều nông dân thường bón quá nhiều so với nhu cầu, gây lãng phí.
Theo ông Nguyễn Hạc Thuý – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 1960 đến nay, phân bón đã giúp cây trồng tăng năng suất từ 35 -40%, nhưng ngành phân bón vẫn phải đứng trước thách thức về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng. “Thậm chí có cơ sở chỉ lấy mấy thìa urê pha vào can 5 lít nước rồi bán với giá 50.000 đồng/can cho nông dân ở Tây Nguyên, Phú Yên, Yên Bái... Hay việc nhiều công ty kinh doanh bán ra thị trường các sản phẩm phân bón nhập khẩu nhưng khi bị bắt, thì mới hay toàn là bột gạch, bột đá, đất sét, bột cao lanh...”.
Không chỉ sản xuất phân bón kém chất lượng, việc sử dụng phân bón hiện cũng rất lãng phí. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), ở nước ta hiệu suất sử dụng phân bón chỉ đạt trung bình 45-50% với phân đạm, 25-35% với lân, 60% với kali. Như vậy, nếu tính chung hiệu suất sử dụng phân bón hoá học là 50% thì mỗi năm chúng ta lãng phí khoảng 2 tỷ USD từ phân bón. Đó là chưa kể việc sử dụng phân bón không đúng cách, đúng liều lượng còn làm tăng dịch bệnh, dẫn tới phải sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn, kéo theo tình trạng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn.
Cũng theo VAAS, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sử dụng phân bón không hiệu quả, như do địa hình, đất đai, khí hậu không thuận lợi; công nghệ sản xuất lạc hậu; tư duy nặng về số lượng, năng suất dẫn tới nông dân thường bón phân nhiều gấp 2-3 lần so với nhu cầu; ít nghiên cứu và khuyến nông về phân bón… Đặc biệt là sự thiếu trách nhiệm, thậm chí vô lương tâm của một số nhà sản xuất, kinh doanh phân bón đang xảy ra khá phổ biến.
“Bỏ rơi” mảng phân bón
Ông Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện VAAS cho biết: “Việc quản lý từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng hiệu quả phân bón không phải chúng ta không làm được, nhưng vấn đề là từ trước đến nay mảng này thường bị “giẫm chân” lên nhau hoặc bị bỏ ngỏ. Đối với sản xuất, hiện có 2 cơ quan cùng quản, trong đó Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ, Bộ NNPTNT quản lý phân hữu cơ. Dù nghị định quản lý phân bón đang được sửa đổi theo hướng sẽ đưa phân bón vào lĩnh vực sản xuất có điều kiện, nhưng với một doanh nghiệp sản xuất cả phân vô cơ và hữu cơ, hoặc một loại phân tổng hợp, đang là vô cơ chỉ cần thêm một chất là thành hữu cơ và ngược lại, thì cơ quan nào quản lý?”.
"Tồn tại hạn chế, yếu kém nhất của lĩnh vực phân bón hiện nay là sử dụng còn lãng phí, chưa hiệu quả. Một số nguyên nhân của thực trạng này là trong nền kinh tế thị trường việc sản xuất kinh doanh cũng như hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón chưa đúng. Doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, muốn bán nhiều phân bón, nông dân thì muốn tăng năng suất nên sử dụng một cách vô tội vạ." Ông Nguyễn Trí Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng Trọt
“Việc quản lý phân bón, theo tôi hoàn toàn có thể làm được, vấn đề là có muốn làm hay không thôi? Như ngành BVTV có hàng nghìn con người, còn lĩnh vực quản lý phân bón chỉ có 1-2 người kiêm nghiệm ở Cục Trồng trọt, các địa phương cũng thực hiện kiêm nhiệm.
Quản lý phân bón hiện nay vẫn theo kiểu “đèn đỏ cứ đi thẳng”, nếu mình xử lý quyết liệt, thay đổi cách làm thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ, đơn vị sản xuất ra phân bón, tự công bố chất lượng rồi đưa ra thị trường, nhưng khi ngành chức năng kiểm tra không đạt chất lượng thì đơn vị đó sẽ phải nộp tiền kiểm nghiệm, tiền xử phạt thật nặng và ngành chức năng sẽ đóng cửa công ty. Làm được như thế thì chất lượng phân bón sẽ khác ngay” - ông Bộ nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại, đó là lâu nay chúng ta gần như không đào tạo nông dân sử dụng phân bón. Tổng hợp kế hoạch từ năm 2011-2013, cả nước có 29 dự án khuyến nông thuộc lĩnh vực trồng trọt và BVTV với tổng đầu tư hơn 153 tỷ đồng, nhưng không có dự án khuyến nông nào về phân bón, đồng nghĩa với việc không có khóa đào tạo nào về phân bón cho nông dân.
Ngay cả nghiên cứu, trong rất nhiều năm nước ta cũng chỉ có 2-3 đề tài, còn ở hầu hết các trường đào tạo thì bỏ luôn cả ngành hướng dẫn sử dụng phân bón vì quan niệm: Việc bón phân quá dễ, nông dân có thể tự học của nhau cũng làm được.
Thanh Xuân/ Dân Việt
Không có nhận xét nào: