VINAGRI News - Thông tin cúm gia cầm không chỉ làm người chăn nuôi thua lỗ mà người tiêu dùng cũng hoang mang khi đi chợ. Nhiều bà nội trợ thậm chí còn quay lưng hẳn với con gà, quả trứng.
Mặc dù không nhiều người mua, nhưng vẫn có khách chọn thịt gia cầm trong siêu thị tại TP.HCM chiều 8-3 - Ảnh: T.T.D.
Nhiều người đã chọn mua các sản phẩm gia cầm có bao bì nhãn mác tại siêu thị hay cửa hàng lớn thay vì mua ngoài chợ lẻ, lề đường.
Né gà sống, trứng không nhãn mác
Giá gà, trứng tăng trở lạiTheo các chủ trại chăn nuôi, giá sản phẩm gia cầm trong vài ngày gần đây đã tăng trở lại sau khi thông tin cúm gia cầm đã giảm bớt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngày 8-3, giá gà tam hoàng ở mức 28.000-29.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với cách đây hơn một tuần. Giá trứng gà công nghiệp cũng tăng khoảng 300 đồng/chục so với tuần trước, lên mức trung bình 1.350 đồng/quả. Giá gà công nghiệp ổn định ở mức 31.500 đồng/kg. Theo các chủ trại chăn nuôi, dù giá đã tăng trở lại nhưng cả ba sản phẩm trên vẫn bán dưới giá thành nên người chăn nuôi tiếp tục bị thua lỗ.
Ngày 8-3, chị Trần Kim Tuyến (Q.3, TP.HCM) ghé cửa hàng chuyên bán thịt gà trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1) mua 2kg cánh gà công nghiệp. Đây là lần đầu tiên trong gần một tháng qua chị Tuyến mới lại mua sản phẩm thịt gia cầm. “Từ ngày có thông tin cúm gia cầm, gia đình tôi đã tạm ngưng ăn thịt gà và trứng. Mãi hôm nay mới mua lại vì thông tin cúm gia cầm đã bớt và đây là món ăn khoái khẩu của hai đứa con trong những dịp cuối tuần” - chị Tuyến nói. Chị Tuyến cũng cho biết đây là cửa hàng bán thịt gà mà gia đình chị đã là khách quen từ lâu, hiểu quy trình chăn nuôi, giết mổ nên mới dám ăn. Từ lâu chị đã không còn dám ăn thịt gà bán rong ngoài đường hay chợ lẻ nữa.
Quan sát nhiều bà nội trợ mua sắm tại các chợ cho thấy rau củ dần trở thành thực phẩm chính, thay vì các loại thịt do nhu cầu tiêu dùng giảm cũng như hoang mang vì nhiều thông tin. “Thịt gì bây giờ cũng sợ, hết cúm gia cầm đến tẩm ướp rồi bơm nước, riết ra chợ chẳng biết mua cái gì về ăn” - bà Ngọc Hoa, đi chợ Xóm Mới, than thở. Thay vì chọn thịt cá, bà Hoa lựa nhiều hơn các loại rau xanh tại sạp quen hoặc “bề ngoài xấu xí” sẽ có ít hóa chất hơn, bà Hoa chỉ dẫn.
Sau tết, nhiều tiểu thương bán thịt rủ nhau mở sạp trễ vì chẳng biết bán cho ai. Sức mua bình thường đã yếu vì kinh tế khó khăn, lại bị thông tin cúm gia cầm đã làm nhiều tiểu thương không “ngóc đầu” lên nổi vì ế. Tại nhiều chợ, gà ta đã rớt từ 120.000 đồng/kg xuống dưới 90.000 đồng nhưng vẫn không ai mua. “Bán không hết, xẻ năm xẻ bảy bán cho hết cũng ráng” - chị Nguyên, tiểu thương chợ Phú Nhuận, cho biết. Trong khi đó giá gà công nghiệp các loại hút khách nhất như cánh gà, chân và đùi gà cũng giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg nhưng cuối giờ chợ hàng vẫn đầy sạp. “Mỗi ngày bình thường bán được 60-80kg gà, nay chỉ còn một nửa mà lây lất mãi”- chị Thu Hồng chợ Xóm Mới (Q.Gò Vấp) than thở.
Vừa bán vừa trấn an khách hàng
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người VN vẫn dùng đến 70% thịt heo trong tổng lượng thịt tiêu thụ hằng năm, thịt gà chỉ trên 20%, còn lại là trâu, bò, cá... nên họ rất dễ dàng chuyển từ các sản phẩm gia cầm sang sản phẩm thay thế trong bữa ăn hằng ngày. Mỗi khi có thông tin dịch cúm gia cầm xảy ra, người tiêu dùng lại chuyển sang các loại thực phẩm khác. Sức mua thấp khiến giá bán sản phẩm chăn nuôi tại trại giảm không phanh làm người chăn nuôi thua lỗ khốn đốn.
Với người tiêu dùng thích ăn thịt gà, họ có xu hướng chuyển vào mua tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn. Tại siêu thị Co.op Mart Thắng Lợi (Q.Tân Phú), sáng thứ bảy (8-3) vẫn khá nhộn nhịp người mua sắm tại khu vực thịt tươi sống. “Có nghe cúm gia cầm nhưng tôi nghĩ thịt gà, vịt hay các loại trứng được đóng gói, có nhãn mác, kiểm dịch cũng an toàn hơn” - chị Hồng Anh (chung cư Ruby Garden, Q.Tân Bình) cho hay.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải - phó tổng giám đốc Big C, hoạt động kinh doanh thịt gia cầm tại siêu thị hiện vẫn bình thường, sản lượng không có biến động đặc biệt. Về kiểm soát chất lượng, ông Hải cho hay vẫn được kiểm soát nghiêm ngặt theo quy định nhập hàng hóa đầu vào tại siêu thị. Còn ông Trương Chí Thiện, giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết sản lượng trứng cung cấp ra thị trường bán lẻ giảm nhưng không đáng kể, trong khi tại kênh siêu thị lại tăng 10-20% so với tháng bình thường. “Cơ bản không ảnh hưởng gì tới sản lượng trứng thời điểm này, tuy nhiên về lâu dài có khả năng sẽ ảnh hưởng khi nhiều trại xả đàn, bán gà thịt ra thị trường” - ông Thiện cho biết.
Quản lý cửa hàng thịt gà trên đường Nguyễn Thái Học, nơi chị Tuyến thường mua hàng, cũng cho biết mỗi khi có thông tin cúm gia cầm là phải vừa bán vừa trấn an khách hàng bằng các quy trình nuôi an toàn, quy trình giết mổ có kiểm soát của thú y và sản phẩm đóng gói trong bao bì có nhãn mác. “Lượng bán ra tại các cửa hàng hầu như không giảm so với trước. Tuy nhiên, tại nơi giết mổ và cung cấp sỉ thì giảm khá mạnh do các đại lý giảm lượng lấy hàng” - vị quản lý này cho biết.
Trần Mạnh - Dũng Tuấn/ Báo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào: