» » » Hậu Giang: Giá lúa không tăng dù chính sách tạm trữ có hiệu lực

Theo ghi nhận, trong 3 ngày đầu triển khai mua lúa gạo tạm trữ, giá lúa tại huyện Vị Thủy - địa phương có diện tích và sản lượng lúa đứng đầu tỉnh vẫn chưa chuyển biến khiến nhiều nông dân không khỏi thất vọng.

Tại xã Vị Trung - nơi có diện tích, năng suất và sản lượng lúa được xếp vào hàng cao nhất huyện, thì nông dân ở đây đang hết sức lo lắng vì lúa chất đống trong nhà. Mấy ngày đã qua, chị Trần Thị Lượng trông đứng trông ngồi vì 5 công đất ruộng giống OM 5451 của gia đình đã chín nhưng vẫn không có ai đến hỏi mua. Nghe chính sách tạm trữ có hiệu lực, chị rất vui mừng, nhưng rồi đành ngậm ngùi vì đến ngày hôm nay, giá lúa được thương lái đặt cọc chỉ có 4.650 đồng/kg lúa tươi, nhưng phải đợi gần 1 tuần nữa mới đến lượt thu mua, dù lúa đã chín rục không thể đợi thêm được nữa. Chị Lượng buồn bã nói: “Giá lúa quá trời rẻ đi. Nghe nói chính sách thu mua tạm trữ của Nhà nước mà sao chờ hoài không có thấy ai hỏi mua. Ngày mai chắc tui cắt đại rồi phơi chớ biết sao giờ?”.

Dù đã có chính sách tạm trữ lúa gạo, nhưng nông dân vẫn chưa hưởng lợi. Ảnh minh họa

Cùng cảnh như chị Lượng, bà Trần Thị Ngợi, cùng ở ấp 10, xã Vị Trung đã thu hoạch 13 công lúa cách nay 2 ngày. Kêu không có người mua hoặc có hỏi mua cũng chỉ ở mức 4.200 đồng/kg lúa tươi, nên chị buộc phải phơi khô và đến ngày hôm nay, 13 tấn lúa vẫn còn chất đống trong nhà trong khi gia đình rất cần tiền để xoay xở nhiều khoản chi phí. Bà Ngợi chia sẻ: “Tui chỉ trông bán được lúa vì kẹt tiền lắm. Còn bao nhiêu khoản tiền phải lo như phân thuốc, giống vụ này rồi chuẩn bị vụ sau nữa, nhưng giá thấp quá ráng chờ. Nông dân ở đây đều hy vọng giá lúa lên theo chính sách tạm trữ lúa gạo của Nhà nước”.

Theo ước tính của ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, lượng lúa Đông xuân tồn đọng trong dân vào khoảng 38.000 tấn, chưa kể còn khoảng 3.000ha - tương đương với gần 24.000 tấn lúa chưa thu hoạch. Giá lúa tươi IR 50404 chỉ được mua với giá 4.200-4.300 đồng/kg, còn lúa hạt dài 4.600- 4.700 đồng/kg, tăng chỉ 50-100 đồng/kg so với trước khi có chính sách thu mua tạm trữ và được thu mua rất cầm chừng.

Anh Võ Thanh Phong, thương lái thu mua lúa tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy lý giải nguyên nhân: “Tui vẫn còn trên 300 tấn lúa mua rồi không bán được chất đầy trong kho, nên cũng gặp khó nhiều lắm. Đến giờ dù có chính sách thu mua tạm trữ nhưng công ty lương thực vẫn chưa thu mua theo giá mới, nên buộc tụi tui phải mua lúa nông dân giá thấp”.

Thực tế liên tiếp mấy vụ lúa vừa qua cho thấy, người trồng lúa thường xuyên phải đối mặt với tình trạng được mùa rớt giá. Họ có thể làm chủ được mảnh ruộng của mình trong quá trình canh tác, nhưng khi thu hoạch và bán trên thị trường nó lại vượt khỏi tầm kiểm soát, trong khi nông dân không có đủ năng lực tự dự trữ, phải bán đi để trả các chi phí cho sản xuất, nên luôn chịu thiệt do giá cả bấp bênh. Dù đã có chính sách tạm trữ nhưng nông dân vẫn chưa hưởng lợi và cuộc sống của họ vẫn bấp bênh từng ngày theo giá lúa.

Bài, ảnh: Thu Hiền/ Báo Hậu Giang

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: