VINAGRI News - Tây Nguyên được xem là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình phát triển cà phê đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó việc tái canh cây cà phê già cỗi, nhiễm bệnh, nhằm nâng cao chất lượng và tính bền vững trong sản xuất cà phê vẫn “vướng” nhiều khó khăn…
Hiện có khoảng 86 nghìn ha cà phê ở Tây Nguyên trên 20 năm tuổi.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo tái canh cà phê do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 8-3, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), hiện trạng và nhiều giải pháp “trẻ hoá” cà phê hiệu quả đã được các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu và các địa phương đưa ra.
Thực trạng và thách thức
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có khoảng 622 nghìn héc-ta cà phê. Trong đó, có khoảng 86 nghìn héc-ta cà phê trên 20 năm tuổi, 140 nghìn héc-ta từ 15-20 năm tuổi. Tổng diện tích cà phê già cỗi cần trồng thay thế và chuyển đổi trong năm đến 10 năm tới từ 140-160 nghìn héc-ta.
Riêng “thủ phủ” cà phê Tây Nguyên chiếm gần 95% diện tích và 99,5% sản lượng cà phê cả nước. Hiện, diện tích cà phê ở độ tuổi kinh doanh toàn vùng Tây Nguyên là 487ha, chiếm 88,7% diện tích cà phê kinh doanh cả nước. Năm 2013, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng tái canh được gần 13 nghìn héc-ta cà phê. Tuy nhiên, theo tính toán, hiện cà phê có độ tuổi trên 20 năm đã lên đến 86 nghìn héc-ta (chiếm 17,3% diện tích cà phê toàn vùng), ngoài ra có khoảng 40 nghìn héc-ta cà phê dưới 20 tuổi, nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất, chất lượng quả thấp…
Cà phê Tây Nguyên đã góp phần đưa Việt Nam lên vị trí số một thế giới về xuất khẩu cà phê robusta. Nhưng, theo số liệu tổng hợp của các tỉnh Tây Nguyên, diện tích cà phê trên 20 năm tuổi cần phải tái canh (tính đến năm 2020) là gần 200 nghìn héc-ta. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Đác Lắc, với 85 nghìn héc-ta; Lâm Đồng là 59,6ha, Gia Lai 27,3ha…
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, qua thực trạng trên cho thấy, nhu cầu về đất trồng cà phê là vấn đề rất khó khăn, do diện tích bị thu hẹp, chất lượng giảm sút, đất suy thoái, tình hình sâu bệnh, giống… đã ảnh hưởng đến quá trình tái canh cà phê ở Tây Nguyên.
Đại diện Cục Trồng trọt cũng đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong cuộc “trẻ hóa” cà phê. Trong đó, một khó khăn cho người trồng tái canh cà phê, là trong thời gian luân canh trước khi trồng cà phê thường không có nguồn thu nhập; tái canh cà phê đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng còn nhiều bất cập… ảnh hưởng đến tâm lý của người trồng cà phê. Cùng với đó, là vấn đề phổ biến kỹ thuật canh tác, công tác thiết lập “bản đồ thông tin” chi tiết tái canh cà phê… vẫn đang gặp khó khăn.
Trước thực trạng trên, thì việc nguyên cứu các nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình tái canh cà phê và đề xuất các giải pháp khắc phục là việc làm cấp bách, giúp bảo đảm sản xuất cà phê bền vững tại Tây Nguyên.
Gỡ khó
Hiện, Bộ NN-PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo tái canh cà phê; phê duyệt dự án phát triển giống cà phê giai đoạn 2011-2015 và đề tài nghiên cứu nguyên nhân chính gây chết cà phê tái canh, giải pháp khắc phục; dự án khuyến nông về tái canh cà phê; ban hành quy trình tái canh cà phê vối và định mức kinh tế kỹ thuật tái canh cà phê để các địa phương vận dụng, nhằm từng bước triển khai chương trình tái canh cà phê hiệu quả.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh: “Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề tái canh cà phê ở Tây Nguyên, nên đã thành lập Ban chỉ đạo tái canh cà phê. Thời gian tới, các tỉnh thành lập cơ quan thường trực chỉ đạo tái canh; đồng thời, cần quan tâm đặc biệt trong việc rà soát diện tích, số hộ và xây dựng kế hoạch tái canh cà phê; xây dựng cơ sở thông tin phục vụ tái canh và ghép cải tạo cà phê; phổ biến kỹ thuật, mô hình hay cho người dân”.
Thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã chú trọng công tác phổ biến những mô hình luân canh, tạo thu nhập để giảm bớt khó khăn cho người trồng tái canh cà phê, như: Trong hai năm đầu luân canh với cây ngô (hai vụ/năm), năm luân canh tiếp theo trồng cây phân xanh cải tạo đất trước khi trồng tái canh cà phê; mô hình trồng xen cây ăn quả lâu năm theo băng trong vườn cà phê già cỗi. Và mô hình hiện đang được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xem xét nhân rộng là “tái canh phân tán”, mỗi năm trồng thay thế khoảng 7-10% số cây trong vườn.
Có thể nói, việc tái canh diện tích cà phê đang bị nhiễm bệnh hoặc già cỗi là rất cần thiết, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê. Tuy nhiên, khi thực hiện việc tái canh thì quy trình kỹ thuật cần phải được tuân thủ hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt, không thể làm nóng vội. “Để tái canh cà phê hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp, từ việc tạo cây giống sạch bệnh đến tăng cường phân bón hữu cơ để hạn chế sự phát triển của tuyến trùng trong đất khi trồng, đầu tư mới vườn sản xuất giống lai...” - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên TS. Lê Ngọc Báu nói.
Cùng với các dự án, đề tài nghiên cứu, thì giải pháp về nguồn vốn cũng cần được tháo gỡ. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2-2013, Ngân hàng NN-PTNT đã ký biên bản ghi nhớ và hợp đồng tín dụng nguyên tắc; đồng thời, phối hợp với tỉnh Lâm Đồng, Đác Lắc và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xây dựng phương án đầu tư vốn tái canh cây cà phê già cỗi, với tổng vốn cam kết tài trợ cho chương trình lên tới 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lãi suất cho đầu tư chăm sóc, vay tái canh cà phê thấp hơn thông thường khoảng 2%/năm, trong thời hạn vay từ 5-7 năm.
Để chương trình “trẻ hoá” cà phê ở Tây Nguyên hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Văn Hòa cho rằng: “Không phải diện tích cà phê già cỗi nào cũng tái canh. Nếu vườn nào có điều kiện canh tác tốt thì tiếp tục chăm sóc để duy trì năng suất, chất lượng. Đối với những vùng không bảo đảm năng suất, đồi núi cao, khó khăn trong khâu tưới nước thì khuyến khích nông dân chuyển sang trồng cây khác phù hợp”.
Bảo Văn/ Báo Nhân Dân
Không có nhận xét nào: