» » Giá lúa làm nóng những cánh đồng

Đầu tuần trước, từ huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), ba chiếc máy gặt đập liên hợp của ông Nguyễn Công Lý (Chín Lý) đã phải khăn gói, “chạy đồng” sang các huyện Thới Lai, quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ) tìm công việc cầm chừng nơi những thửa ruộng nhỏ. Cuối tuần, tổ hợp ba chiếc máy này phải hoạt động hết công suất, vậy mà mỗi ngày cũng chỉ gặt được không quá 15 héc ta. Nhu cầu lúc này tăng nhiều quá, máy phải làm việc luôn ban đêm.

Giá lúa đã tăng lại sau khi Chính phủ cho phép mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ ngày 15-3. Ảnh: Ngọc Tùng

Thu hoạch rộ nhờ giá lúa nhóng lên

Đứng trên bờ ruộng, nhìn những thảm lúa chín vàng rực thuộc phường Long Hưng (quận Ô Môn), ông Chín Lý nói: “Giá lúa tăng, người thì gấp rút lo gặt vì sợ lúa chín rục, người khác cũng tranh thủ gặt sớm khi thấy giá lúa đang nhích lên”. Nông dân nào cũng muốn gặt trước cho xong để còn kịp làm vụ lúa mới.

Mùa này, trên những cánh đồng lúa chín rộ thuộc các huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), Cờ Đỏ (Cần Thơ) những chiếc máy gặt, máy vận chuyển lúa làm việc không ngơi nghỉ càng khiến nông dân nôn nao. Theo ông Chín Lý, các máy gặt đập phải có mối liên kết với thương lái, nếu thương lái mua được lúa ở vùng nào sẽ kéo máy gặt đập trong liên kết đó có việc làm. “Giá lúa tăng đã “rã băng” cho những đồng lúa đang trùm mền!”, ông Chín Lý ví von.

Còn hơn 3 héc ta lúa thơm jasmine sắp tới kỳ thu hoạch, nông dân Lê Văn Lực (Hai Lực) ở xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ) mừng rơn, nói: “Từ mức giá lúa tươi 4.800 đồng/ki lô gam, giá lúa tươi jasmine đã tăng 200 đồng/ki lô gam trong vòng bốn ngày nay”. Cùng lúc này, giá lúa IR 50404 (504) cũng đã tăng từ mức 4.200 đồng lên 4.350 đồng/ki lô gam.

Cuối tuần trước - một ngày trước khi triển khai kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo, thương lái mua lúa Trần Văn Hai (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) cho hay giá gạo nguyên liệu 504 đã tăng thêm 200 đồng/ki lô gam. Ông Hai dự đoán: “Các vựa tăng giá và sản lượng gạo thu mua là dấu hiệu đầu tiên kích thích giá lúa tăng”. Do vậy, theo ông Hai, đã có nhiều thương lái “đổ bộ” về vùng lúa Hậu Giang đặt cọc sớm để mua lúa tươi 504 với mức giá 4.350 đồng/ki lô gam. “Nhưng tới thời điểm hiện tại, nhiều nông dân chưa nhận tiền cọc đã không muốn bán lúa với giá này”, ông Hai nói.

Cùng lúc này, ông Lý Khoa, thương nhân kinh doanh lúa gạo ở Sóc Trăng, vẫn còn bán tín bán nghi khi giá lúa mùa đặc sản tài nguyên và các loại lúa thơm nhẹ đã tăng 50-100 đồng/ki lô gam, dù rằng giá gạo nguyên liệu phải tăng biên độ lớn hơn giá lúa mới hợp lý.

Xuất khẩu ít lạc quan

Giá lúa các loại đều tăng trong suốt tuần qua, song mức chênh lệch giữa lúa thơm và lúa 504 khiến những nông dân đầu tư sản xuất lúa thơm bùi ngùi. Theo ông Hai Lực, giá lúa jasmine vụ đông xuân thường cao hơn lúa 504 khoảng 800-1.000 đồng/ki lô gam, nhưng vài năm nay, mức chênh lệch này chỉ 600-650 đồng/ki lô gam.

Tỉnh An Giang là “kho” lúa chất lượng cao từ nhiều năm qua, nhưng cách mua của thương lái đã khiến tỷ lệ lúa 504 năm nay tăng lên 23% trong khi yêu cầu phải khống chế tỷ lệ này dưới 15%. Hợp tác xã Bình Thành (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) một thời nổi tiếng với các loại lúa thơm, vụ đông xuân này, tỷ lệ lúa 504 cũng đã xấp xỉ 60%.

Chính phủ đã đồng ý kế hoạch mua tạm trữ một triệu tấn gạo vụ đông xuân 2013-2014, bắt đầu từ ngày 15-3 và kéo dài bốn tháng, với lãi suất 7%/năm. Ngay sau đó, giá gạo nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng trở lại sau nhiều tuần giảm.

Theo ông Khoa, các doanh nghiệp xuất khẩu gom gạo nguyên liệu đã khiến giá lúa tăng từ tuần rồi, chương trình tạm trữ ngay sau đó càng kích thích các thương lái tranh thủ gom lúa hàng hóa. Tuy nhiên, “động thái tăng giá lần này chỉ tập trung chủ yếu ở phân khúc gạo cấp thấp”, ông Khoa nói.

Tại hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Cần Thơ (15-3), Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong cho rằng, thị trường gạo thế giới đang lưu tâm tới cách giải quyết 20 triệu tấn gạo tồn kho của Thái Lan. Với mức giá chào bán 380 đô la Mỹ/tấn, tương đương với giá vốn của các doanh nghiệp Việt Nam, đây là một thực tế khó khăn cho các doanh nghiệp.

Chưa hết, với thị trường Trung Quốc, theo ông Phong, khả năng hủy hợp đồng của các doanh nghiệp Trung Quốc là rất lớn. “Năm ngoái đối tác Trung Quốc đã hủy hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam 1,9 triệu tấn gạo”, ông Phong dẫn chứng. Do vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, không thể lạc quan với tình hình xuất khẩu gạo năm nay.

Ngọc Tùng/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: