Vụ đông - xuân đang bước vào mùa thu hoạch rộ với dự báo được mùa. Hiện các doanh nghiệp (DN) đang tập trung thực hiện hợp đồng với Philippines, kết thúc chậm nhất vào ngày 15.3. Tuy nhiên, dự báo sau khi kết thúc hợp đồng với Philippines và thu hoạch rộ trong tháng 3, đồng thời giá gạo thế giới giảm do Thái Lan xả hàng, giá lúa gạo trong nước sẽ giảm mạnh nếu không có biện pháp bình ổn.
Xuất khẩu gạo tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN
Nguồn cung dồi dào, giá giảm
Tính đến ngày 5.3, theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ NNPTNT, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ đông-xuân 2013-2014 được 1,604 triệu hécta và đã thu hoạch được khoảng 520.000ha với năng suất khoảng 6,5- 6,6 tấn/ha, sản lượng 3,4 triệu tấn lúa. Dự kiến, sản lượng thu hoạch vụ đông xuân trong 4 tháng đầu năm 2014 gần 11 triệu tấn, lượng gạo hàng hóa xuất khẩu (XK) khoảng 4,275 triệu tấn.
Bộ NNPTNT cho biết: XK gạo hai tháng đầu năm ước đạt 702.000 tấn với giá trị 330 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Philippines hiện vẫn là thị trường đứng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam. Dự kiến, số lượng gạo XK trong tháng 3 từ 500.000 – 550.000 tấn.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo sau khi kết thúc hợp đồng với Philippines và thu hoạch rộ trong tháng 3, với nguồn cung cấp dồi dào như hiện nay, cùng với tình hình giá gạo thế giới sụt giảm do Thái Lan xả hàng, thì giá lúa gạo trong nước sẽ giảm mạnh nếu không có biện pháp bình ổn. Hiện thị trường gạo Châu Á đang chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường Thái Lan. Thái Lan đã bán ra lượng hàng tồn kho của Chính phủ 600.000 tấn gạo vào trung tuần tháng 2 và thông báo sẽ bán tiếp 800.000 tấn vào đầu tháng 3. Giá gạo Thái sẽ giảm thêm, sẽ tác động mạnh đến giá gạo trên thị trường thế giới. Trên thực tế, giá gạo XK giao dịch trong tháng 2 đã giảm từ 405USD/tấn vào đầu tháng, xuống còn 380USD/tấn vào cuối tháng với loại 5% tấm.
Nông dân, thương lái đều méo mặt
Giá lúa tại khu vực ĐBSCL giảm dần đều. Trung bình, các giống lúa thu mua tại ruộng đều rớt giá từ 500 – 600 đồng/kg chỉ trong vòng mấy ngày. Không chỉ nông dân méo mặt vì lúa ế, mà thương lái cũng phải bỏ cọc, vì ôm lúa vào chỉ có nước lỗ. Đến thời điểm này, nông dân huyện biên giới Tân Hưng (Long An) đã cho thu hoạch được hơn 5.000ha lúa đông xuân 2013-2014, với năng suất rất cao, từ 8-9 tấn/ha lúa tươi. Song, hiện tại tất cả các giống này đều đã giảm giá khoảng 10% so với khoảng mười ngày trước.
Anh Trần Hữu Phước - nông dân xã Hưng Điền B (Tân Hưng) - cho biết, vụ lúa này anh canh tác 6ha lúa giống OM4900. Tuần trước anh thu hoạch được hơn 3ha với giá bán 5.300 đồng/kg. Với 3ha còn lại, ngày 5.3 anh kêu bán thì thương lái ra giá chỉ còn 4.800 đồng/kg, đến ngày 6.3 anh kêu cắt lúa thì thương lái "lặn" mất. Anh Nguyễn Văn Tuấn - thương lái từ thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) đến Tân Hưng mua lúa - cho biết, trong mấy ngày qua giá lúa liên tục giảm, nhiều thương lái phải lỗ nặng, thậm chí phải bỏ tiền cọc. “Mỗi hécta lúa, chúng tôi thường đặt cọc với nông dân từ 3 - 5 triệu đồng. Giá lúa giảm như thế, nếu mua càng lỗ thêm nên chấp nhận bỏ cọc để mua với giá hiện tại” – anh Tuấn nói.
Tại An Giang, rất nhiều thương lái phải chấp nhận bỏ tiền cọc, bởi chênh lệch trên mỗi hécta trong vòng 1 tuần đã trên dưới 5 triệu đồng, nếu mua vào sẽ càng lỗ nặng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Trí (thương lái chuyên thu mua lúa khu vực Đồng Tháp) cho biết, cả tuần nay ông và nhiều thương lái khác chỉ mua cầm chừng, nghe ngóng đầu ra. Một số thương lái thậm chí phải tạm nghỉ vì mua về, chưa kịp bán thì đã lỗ trước mắt.
Với giá lúa như hiện nay, nông dân chưa đến mức lỗ, song nếu tình trạng không có người mua kéo dài thì viễn cảnh nông dân thua lỗ do lúa ế sẽ cận kề. Trước thực trạng này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Chính phủ đã quyết định có kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ đông-xuân.
Xuất khẩu gạo dù là tiểu ngạch cũng “đáng mừng”Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – ông Trần Thanh Hải: Năm 2013, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, việc XK gạo bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc hiện rất “nóng” và cũng có thông tin thương lái Trung Quốc đang mua gom gạo Việt Nam.Hiện Bộ Công Thương đang hoàn thiện quy hoạch thương nhân XK gạo. Theo đó, sẽ chọn lọc thương nhân có đủ điều kiện, có quá trình lịch sử XK gạo tốt để tập trung và hỗ trợ các đầu mối XK đó.“Đến thời điểm này, mặt hàng gạo không có bất kỳ hạn chế nào về XK. Do đó, nếu có thông tin Trung Quốc mua gạo của Việt Nam thì dưới góc độ nào đó cũng là đáng mừng, tích cực, tất nhiên, phía quản lý nhà nước phải có sự giám sát chặt chẽ” - ông Hải nhấn mạnh. Đặng Tiến ghi
Mộng Thoa - Thu Hà - Văn Đát - Hữu Danh/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: