VINAGRI News - Để cây sắn phát triển bền vững, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 là xây dựng tiêu chuẩn chất lượng tinh bột sắn XK.
Phơi sắn
Sắn (mì) là nông sản có kim ngạch xuất khẩu chỉ đứng sau gạo và cà phê. Tuy nhiên, việc định hướng SX và chế biến sắn chưa được quan tâm đúng mức khiến cây trồng này chưa có lộ trình phát triển bền vững.
Theo Hiệp hội Sắn VN, năm 2013 diện tích trồng sắn trên cả nước giảm đáng kể, bên cạnh đó bệnh rệp sáp hồng và chổi rồng lan rộng càng khiến sản lượng sắn tụt giảm theo.
TS Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội Sắn VN, cho biết: “Diện tích trồng sắn trên cả nước trong năm 2013 ước đạt 544,3 nghìn héc ta, giảm khoảng 1,4% so năm 2012. Riêng vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung giảm đến 11,9%, Đông Nam bộ giảm 6,7%. Tuy diện tích trồng sắn ở đồng bằng sông Hồng tăng đến 22,6% và vùng trung du miền núi phía Bắc tăng 1,5%, nhưng không thể bù giảm ở những vùng trồng sắn trọng điểm”.
So với những năm trước, năng suất cây sắn trong vài năm gần đây có được cải thiện, ước tính năng suất bình quân trong năm 2013 đạt 17,9 tấn/ha nhờ nông dân đã biết áp dụng KHKT vào SX; tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực con số năng suất nói trên là còn quá “hẻo”. Có thể ví dụ trong năm 2012, năng suất sắn ở Ấn Độ đạt 36,5 tấn/ha, ở Thái Lan 18 tấn/ha còn ở VN chỉ 17,7 tấn/ha.
“Hiện ở Việt Nam giống sắn KM 94 được trồng nhiều nhất, chiếm đến 75% tổng diện tích sắn cả nước; tiếp đến là giống KM 140 (5,4%), KM 98-5 (4,5%) và KM 98-1 (3,2%), còn lại là các giống khác”, TS Nguyễn Văn Lạng nói.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Bình Định), giống sắn KM 94 đang trong tình trạng thoái hóa trầm trọng. Bà Trân cho biết: “Trên địa bàn Bình Định, giống KM 94 được đưa vào trồng từ lâu lắm rồi, hiện chiếm đến 98% diện tích trồng sắn. Giống sắn này có ưu điểm dễ trồng, năng suất cao và hàm lượng tinh bột cao, nhưng hiện đang là giống bị nhiễm bệnh chổi rồng nhiều nhất, cần phải được thay thế”.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị XK sắn và các sản phẩm từ sắn trong năm 2013 đạt 1,04 tỷ USD (khoảng 2,98 triệu tấn). So với năm 2102 cả giá trị và sản lượng đều có xu hướng giảm, tốc độ giảm về lượng (26,1%) lớn hơn tốc độ giảm về giá (18,7%).
Về nguyên nhân, TS Nguyễn Văn Lạng cho biết: “Do nhu cầu SX ethanol trong nước tăng làm hạn chế nguồn cung XK. Thêm vào đó, ngành SX ethanol tại Trung Quốc đang đi xuống, các nhà máy ở nước này đã đóng cửa gần 70%, số nhà máy còn hoạt động thì giảm công suất, do đó lượng sắn XK của VN sang Trung Quốc giảm mạnh. Thêm vào đó, giá ngô thấp, nhu cầu tinh bột ngô tăng dẫn tới nhu cầu tinh bột sắn giảm”.
Đáng quan ngại là thị trường XK sắn của VN hiện chủ yếu tập trung vào Trung Quốc. Kim ngạch XK sắn sang Trung Quốc từ năm 2009 trở lại đây luôn ổn định ở mức 85% tổng giá trị XK sắn hàng năm của VN. Tuy nhiên, trong năm 2013, giá trị XK sắn của VN sang Trung Quốc đã giảm đến 21,2%. Một thị trường khác, khá lớn, thường nhập khẩu sắn của VN là Đài Loan trong năm qua cũng giảm 44,8%.
Để cây sắn phát triển bền vững, trong năm 2014 này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội Sắn VN là xây dựng tiêu chuẩn chất lượng tinh bột sắn XK của VN và mở rộng thị trường XK sang khu vực Đông Âu, Trung Á, Ấn Độ, Nam Phi… để giảm rủi ro trong XK khi cứ đang tập trung vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.
“Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao, VCCI để xin chính sách ưu đãi xuất khẩu đối với mặt hàng tinh bột sắn; xin chính sách hỗ trợ XK đối với một số thị trường mới nhằm tránh đổ dồn và thị trường Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Sắp tới chúng tôi cùng với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị giao thương ngành sắn, tinh bột sắn tại VN nhằm tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường”, TS Nguyễn Văn Lạng chia sẻ.
Hiệp hội Sắn VN đang hợp tác với tổ chức CIAT và Viện Di truyền Nông nghiệp (Viên KHNN Việt Nam) nhằm nghiên cứu, chọn ra các giống sắn mới có năng suất, chất lượng cao để đưa vào thay thế các giống sắn cũ trong năm 2015. Đồng thời làm việc với Cty Kaneka về thử nghiệm loại phân bón thúc đẩy tăng năng suất cây sắn. Sẽ tiến hành thử nghiệm tại các tỉnh Yên Bái, Thanh Hóa, Kon Tum và Tây Ninh trong thời gian tới.
Vũ Đình Thung/ nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào: