Tính đến ngày 11.3, cả nước còn 45 ổ dịch tại 15 tỉnh. Giá gia cầm và sản phẩm gia cầm tuần này bắt đầu nhích lên nhưng vẫn dưới mức giá thành. Đây chính là thực trạng khiến nông dân nhiều địa phương bỏ nuôi, chậm tái đàn. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Nguy cơ thiếu nguồn cung gia cầm và sản phẩm gia cầm, Việt Nam có thể phải chịu sức ép về nhập khẩu...
Quản lý thủy cầm để hạn chế dịch bệnh.
Dưới mức giá thành
Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, nhu cầu giống gia cầm từ đầu tháng 3 tăng do một số tỉnh đã bắt đầu hết dịch muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất. Cuối tháng 2, giá gia cầm sống và gia cầm đã qua sơ chế giảm mạnh và đặc biệt là con giống có thời điểm giảm đến 70%. Từ đầu tháng 3, giá thịt gia cầm không có chiều hướng giảm nữa và bắt đầu chững lại.
Tuy nhiên, giá giống sau đợt hạ thấp chưa có dấu hiệu tăng mặc dù nhu cầu giống tăng. Điều này cho thấy, tình hình sản xuất có chiều hướng tốt lên. Từ đầu tuần (10.3), giá gà công nghiệp phổ biến ở mức 32.000 – 33.000đ/kg (tăng 5%), gà thịt 27.000 – 28.000đ/kg, gà giống 1 ngày tuổi: 3.000đ/con, trứng gà 1.300 – 1.400đ/quả, trứng vịt: 2.100 – 2.300đ/quả.
Nhiều cơ sở cung cấp giống gia cầm phản ánh hiện nay việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm rất khó khăn. Nhiều địa phương không cho vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm vào địa phương mặc dù cơ sở cung cấp có đủ giấy tờ thủ tục.
Bà con nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên như: Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum... có nhu cầu nhập con giống để tái đàn, phục hồi sản xuất nhưng rất khó khăn vì tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”. Buộc những cơ sở cung cấp giống phải vận chuyển “chui”.
Trong tuần, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã có xúc tiến tích cực trong việc triển khai kế hoạch phát triển cơ sở chăn nuôi an toàn theo mô hình sản xuất chuỗi chăn nuôi gia cầm, tăng cường giết mổ tập trung tại 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.
Đánh giá về giá gia cầm và sản phẩm gia cầm hiện nay, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ
NNPTNT) cho rằng: “Chúng ta cần phải có giải pháp để tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, hiện nay giá gia cầm và sản phẩm gia cầm tại chợ vẫn ở mức cao, trong khi giá gia cầm và sản phẩm gia cầm tại trang trại dưới mức giá thành. Về lâu dài, tình trạng này rất đáng lo ngại”.
Áp lực phải nhập khẩu nếu...
Khuyến cáo người dân không nên tẩy chay sản phẩm gia cầm, với những địa phương không có dịch, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, kiểm dịch vẫn diễn ra bình thường.
Ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y - khẳng định: “Gia đình tôi vẫn sử dụng gia cầm có nguồn gốc xuất xứ và chế biến đúng cách. Biện pháp trước mắt hiện nay là phải công bố chính xác thôn, xã, huyện nào có dịch để bà con biết, với những địa phương, khu vực hoặc vùng an toàn dịch thì đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học và chứng nhận cơ sở an toàn”.
Theo quy định của thú y cơ sở, an toàn dịch phải đảm bảo thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc, gia cầm được tiêm vaccine đúng đủ, giết mổ có sự kiểm soát của cơ quan thú y về vệ sinh và lăn dấu kiểm dịch.
Một ví dụ điển hình về công tác kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gia cầm. Xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có dịch, tuy nhiên chính quyền địa phương xã bao vây, khoanh vùng dập dịch. Vì vậy xã Tân Việt cách xã Cẩm Chế một con sông có số hộ chăn nuôi gia cầm lớn vẫn an toàn với dịch.
Tỉnh Hải Dương đã công bố dịch ngay sau khi phát hiện, áp dụng các biện pháp khẩn cấp dập dịch. Gia cầm tại các xã khác trong huyện Thanh Hà và các huyện khác vẫn tiêu thụ gia cầm có kiểm dịch. Vùng an toàn dịch hiện nay chưa được chứng nhận nhiều.
Tại TPHCM có 4 quận được chứng nhận là nơi an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, người tiêu dùng (NTD) có thể vẫn sử dụng sản phẩm gia cầm an toàn nếu sản phẩm đó có nguồn gốc xuất xứ được lấy tại các trang trại chăn nuôi đảm bảo an toàn, giết mổ có sự kiểm soát của thú y.
Tại các chợ, gia cầm lông hiện nay từ Yên Thế (Bắc Giang) là nơi duy nhất có dấu hiệu nhận biết trên lồng. Đối với gia cầm đã qua giết mổ phải có dấu hậu kiểm của thú y tỉnh, thành phố nơi có gia cầm.
Một thực tế với các trang trại, hộ chăn nuôi lớn, giá gia cầm và sản phẩm gia cầm ở mức thấp đang khiến cho người chăn nuôi lao đao. Với những hộ chăn nuôi khoảng 20.000 con (trang trại anh Nguyễn Văn Tuấn – Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) thì trung bình mỗi ngày lỗ từ vài triệu đến chục triệu đồng tiền trứng. Trong khi đó, chi phí vận chuyển, thức ăn... không giảm.
Chính vì nguyên nhân đó, ông Đàm Xuân Thành cảnh báo: “Tình trạng giá gia cầm và sản phẩm gia cầm thấp hơn mức giá thành chăn nuôi về lâu dài đây là nguy cơ nông dân bỏ nghề, không tái đàn, buộc Việt Nam phải nhập khẩu gia cầm đông lạnh và áp lực về gia cầm lậu theo đó gia tăng”.
Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo nếu chăn nuôi không duy trì thì chỉ 2 – 3 tháng nữa, chúng ta sẽ mất cân đối cung cầu về mặt hàng này.
Thu Hà/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: