Tại ĐBSCL, nông dân dần hoàn tất thu hoạch và bán hết lúa đông xuân nhưng chương trình mua lúa tạm trữ vẫn chưa được triển khai dù đã được Chính phủ phê duyệt hơn một tuần qua.
Nhiều nông dân tại ĐBSCL đã thu hoạch và bán lúa với giá thấp - Ảnh: Thanh Tú
Dù trúng mùa nhưng nông dân phải bán lúa với giá rất thấp do không thể chờ đến khi chương trình mua tạm trữ được triển khai.
Lúa bán hết, chưa mua tạm trữ
Vừa thu hoạch được 15 tấn lúa hàng hóa, ông Nguyễn Thanh Hùng (xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã quyết định giữ lại vài hôm để nghe ngóng giá lúa có nhích lên hay không, sau khi có thông tin Chính phủ công bố quyết định mua lúa tạm trữ. Thế nhưng đã một tuần trôi qua, ông Hùng mỏi mắt vẫn không thấy doanh nghiệp nào tới mua lúa.
Theo ông Hùng, sau khi có thông tin mua lúa tạm trữ, giá lúa có tăng khoảng 200 đồng/kg, từ 4.300 lên 4.500 đồng/kg, nhưng nếu kêu bán thì phải trả cho “cò” 150 đồng/kg nên người trồng lúa cũng không được hưởng. “Nếu chương trình tạm trữ được triển khai có lẽ giá lúa sẽ tốt hơn, nhưng tôi chưa biết có kìm hàng để chờ được không vì đang rất cần tiền để trả công, phân, giống..., chưa kể chi phí chuẩn bị cho mùa tới”- ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Hữu Ý (xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết dù rất muốn giữ lúa chờ giá lên nhưng do không có điều kiện phơi sấy, không có kho trữ, không có tiền thanh toán nợ vật tư nông nghiệp... nên phải bán cho thương lái tại ruộng với giá rẻ. “Nếu các doanh nghiệp tổ chức mua sớm hơn, chỉ cần giá lúa tăng thêm 200 đồng/kg thì 4ha lúa vụ của tôi sẽ có thêm gần 6 triệu đồng, đủ để rải phân một đợt cho toàn bộ diện tích lúa” - ông Ý nói.
Ông Nguyễn Văn Trãi, giám đốc HTX Tân Cường (Phú Cường, Tam Nông, Đồng Tháp), cho rằng khi lập bảng chi tiết về giá thành sản xuất 1ha lúa, HTX phải tính đến từng đồng. Do đó việc chậm trễ triển khai mua lúa tạm trữ khiến những người thu hoạch sớm mất đi số tiền vài trăm đồng/kg là bất công với nông dân. “Với 1.800ha, năng suất bình quân 7 tấn/ha, sản lượng thu được của HTX là 12.600 tấn. Chỉ cần mỗi ký lúa lên 200 đồng, HTX đã có thêm hơn 2,5 tỉ đồng, một con số không nhỏ” - ông Trãi nói.
Ông Nguyễn Kim Sa, phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho rằng nguyên nhân doanh nghiệp chưa mua tạm trữ lúa là do địa phương chậm được phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo. Ông Cao Văn Hóa, phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cũng cho biết đến sáng 24-3, ông chưa nhận được thông tin gì về chỉ tiêu phân bổ cho tỉnh để các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa, trong khi vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh đã thu hoạch xong.
Ngoài ra, nhiều địa phương cho rằng việc phân bổ chỉ tiêu đang tồn tại không ít bất cập. Theo ông Sa, năm nay Chính phủ chủ trương giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp với tỉnh phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, nhưng địa phương không hề được tham gia phân bổ. “Đến khi công bố chỉ tiêu mới tá hỏa địa phương mình được phân bổ quá ít so với nhu cầu thực tế” - ông Sa nói.
VFA: triển khai kịp thời và đúng đối tượng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-3, ông Phạm Văn Bảy - phó chủ tịch VFA - khẳng định việc phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa tạm trữ không chậm như phản ảnh của các địa phương, thậm chí VFA đã triển khai trước khi nhận được quyết định chính thức của Thủ tướng. Cụ thể ngày 15-3 tại cuộc họp ở Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chủ trương mua tạm trữ và đến ngày 18-3, văn bản chính thức mới được đưa lên Cổng thông tin điện tử, các hỗ trợ tín dụng và lãi suất được bắt đầu từ ngày 20-3.
Trong khi đó, ngay từ ngày 17-3 VFA đã gửi công văn cho các doanh nghiệp để đăng ký mua tạm trữ. Sáng 20-3, VFA đã họp để phân bổ chỉ tiêu, ngay sau đó đã gửi danh sách chi tiết các doanh nghiệp tham gia về các địa phương và từng đơn vị. “Chiều 20-3, Ngân hàng Nhà nước mới có công văn chỉ đạo 14 ngân hàng thương mại triển khai cho vay và hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ. Như vậy, VFA đã triển khai kế hoạch mua tạm trữ từ trước chứ không phải muộn” - ông Bảy khẳng định.
Cũng theo ông Bảy, việc phân bổ chỉ tiêu mua gạo tạm trữ cho các doanh nghiệp cũng thực hiện đúng với các tiêu chí đề ra. Ngoài yêu cầu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và là thành viên chính thức của VFA, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí về khả năng tài chính, tiêu thụ lúa gạo mới được phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ. Cụ thể, doanh nghiệp phải có năng lực và thành tích mua tạm trữ lúa gạo từ các năm trước, có tình hình tài chính tốt và có khả năng tiêu thụ lúa gạo tạm trữ, có liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với nông dân.
Ngoài ra, ông Bảy khẳng định tiêu thụ lúa gạo không có biên giới hành chính các tỉnh, doanh nghiệp, thương lái An Giang qua Đồng Tháp mua và ngược lại là chuyện bình thường. Chẳng hạn tại Đồng Tháp, ngoài các doanh nghiệp tại địa phương, các doanh nghiệp ngoại tỉnh có chỉ tiêu mua tạm trữ cũng có thể đến mua. Đây là những doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lúa gạo có kho đặt tại Đồng Tháp và đăng ký mua lúa gạo của Đồng Tháp với khối lượng khá lớn. “Chúng tôi đang tổng hợp số liệu về các doanh nghiệp ngoại tỉnh cũng như lượng lúa gạo họ mua tạm trữ tại Đồng Tháp và các tỉnh để gửi các địa phương theo dõi” - ông Bảy nói.
Bán lúa ngay tại ruộng
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, đến hết ngày 20-3 toàn tỉnh đã thu hoạch 147.408/207.521ha lúa của vụ đông xuân. Hiện tại cứ mỗi ngày nông dân trên địa bàn thu hoạch được khoảng 4.800ha lúa và phần lớn lúa được bán ngay tại ruộng nhằm lấy tiền thanh toán vật tư nông nghiệp. Do đó nếu chờ đến khi chương trình mua tạm trữ được triển khai, nông dân đã bán gần hết lúa hàng hóa.Tương tự, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Tiền Giang, Sở NN&PTNT Tiền Giang, tính đến ngày 21-3 toàn tỉnh đã thu hoạch 53.889ha/77.659ha, sản lượng khoảng 386.131 tấn. Trong đó các huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh như Cái Bè (17.112ha), Cai Lậy (15.320ha) đã thu hoạch dứt điểm.
Thanh Tú - Trần Mạnh/ Báo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào: