» » » Bệnh đốm trắng hoành hành trên cây thanh long

VINAGRI NewsNhững năm gần đây, giá thanh long luôn đứng ở mức cao, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa trọn vẹn khi thanh long đang bị một loại bệnh mới có dấu hiệu lây lan nhanh - đó là bệnh đốm trắng.

Bệnh đốm trắng lan nhanh trên cây thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).

Những ngày này, về vùng chuyên canh thanh long thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, đi đâu cũng nghe nhà vườn "than vắn thở dài" vì bệnh đốm trắng gây hại. Dấu hiệu bệnh trên cây thanh long được phát hiện đầu tiên ở vườn nhà ông Huỳnh Hồng Ửng, ấp Quan Khương, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo chỉ trên một vài bụi thanh long vào năm 2012, nhưng lúc đó chưa biết là bệnh đốm trắng. Một năm sau (năm 2013), dấu hiệu thanh long bị bệnh lại tăng nhanh. Đó là, xuất hiện nhiều đốm trên cành thanh long, nhất là cành non và lây lan nhanh vào mùa mưa. Đặc biệt, gần đây những đốm trắng xuất hiện càng nhiều trên trái thanh long, nhất là khi trái gần chín.

Khi trái chín, những đốm này xuất hiện rõ hơn và nhiều hơn, buộc lòng những trái này bị dạt hoặc bán với giá rất rẻ.

Ông Ửng cho biết: "Hộ tôi chuyên canh 3,2 ha thanh long hơn ba năm tuổi, dự kiến đợt thu hoạch vừa qua có thể thu nhập hơn 500 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ thu được hơn 100 triệu đồng, do tỷ lệ trái thanh long bị "dạt" vì bệnh đốm trắng lên đến 50%". Hiện nay, ở Chợ Gạo, những vườn thanh long nào bị bệnh đốm trắng nhẹ thì khoảng 50%, còn vườn nào nặng lên đến 100%, riêng vườn của ông Ửng bị khoảng 60-70%.

Những năm gần đây giá trái thanh long luôn ở mức cao, nông dân lợi nhuận nhiều. Cụ thể, hiện nay, giá thanh long ruột trắng (loại sô) giá 30 nghìn đồng/kg, thanh long ruột đỏ (loại sô) giá 65 nghìn đồng/kg, cao hơn trước Tết Nguyên đán vừa rồi 5.000 đồng/kg. Giá hấp dẫn, nông dân nơi đây ồ ạt chuyển đất ruộng, đất gẫy lên trồng thanh long. Còn việc đối phó với bệnh đốm trắng, nông dân ở đây thấy bụi nào, trái nào nhiễm bệnh thì cắt bỏ và...

phun xịt thuốc để hy vọng ngăn được bệnh lây lan, nhưng hiện nay lại chưa có thuốc đặc trị nên rất lo lắng -Ông Ửng bộc bạch.

Phó Chủ tịch UBND xã Quơn Long Phạm Văn Quận cho biết, toàn xã hiện có 904 ha trồng thanh long, tương ứng 90% diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Thanh long đã giúp cho bà con trong xã xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay bà con rất lo lắng do dịch bệnh đốm trắng hoành hành. Theo thống kê sơ bộ, dấu hiệu bệnh đã xuất hiện khoảng 20% rải rác trong các vườn thanh long. Do chưa có thuốc đặc trị nên xã chỉ khuyến cáo người dân vệ sinh vườn trồng.

Theo thống kê đến cuối năm 2013, diện tích thanh long bị nhiễm bệnh đốm trắng nhẹ ở tỉnh Bình Thuận là 800 ha, nặng 400 ha, trong tổng số 21 nghìn ha; Tiền Giang, với gần ba nghìn ha thanh long thì có đến 2.420 ha nhiễm bệnh đốm trắng nhẹ, diện tích nhiễm nặng 80 ha; Long An, nhiễm đốm trắng nhẹ 766 ha, nặng 41 ha, trong tổng số gần 2.700 ha... và đang có xu hướng lây lan nhanh. Trước thực trạng dịch bệnh gây hại nghiêm trọng trên loại cây trồng này, Viện Cây ăn quả miền Nam đã tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm bằng nhiều phương pháp khoa học, chuyển giao kỹ thuật và triển khai tập huấn "Quy trình quản lý tổng hợp sâu bệnh hại quan trọng trên thanh long" cho gần 600 nông dân trồng thanh long tập trung ở Bình Thuận và Tiền Giang.

Ngoài ra, Viện còn cử 18 bác sĩ cây trồng từ Viện và sáu chuyên gia đến từ Ma-lai-xi-a đi thăm khám định kỳ tại một số xã có trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ngoài ra, Viện cũng đã đưa ra quy trình "Quản lý bệnh đốm trắng trên thanh long tạm thời" trên thông tin đại chúng để giúp nhà vườn trồng thanh long ứng dụng vào sản xuất, bước đầu đã có hiệu quả.

Tại buổi làm việc với Viện Cây ăn quả miền Nam, ngày 23-2, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo: "Viện Cây ăn quả miền Nam cần điều chỉnh bổ sung vấn đề nghiên cứu canh tác tổng hợp và đề tài nghiên cứu giống thanh long mà Viện đang thực hiện. Đối với bệnh đốm trắng trên thanh long đang là vấn đề nóng nhất cần phải làm ngay, không phải chờ kết quả nghiên cứu cuối cùng. Cục Bảo vệ thực vật tập hợp kết quả nghiên cứu quy trình quản lý bệnh đốm trắng trên thanh long tạm thời cộng với kết quả nghiên cứu của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam để sớm đưa ra quy trình quản lý tạm thời trước ngày 15-3. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chuẩn bị ngay kinh phí để tập huấn, chuyển giao quy trình quản lý dịch bệnh tạm thời tại ba tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Viện Cây ăn quả miền Nam tiếp tục nghiên cứu đề tài khoa học về vấn đề dịch bệnh trên thanh long để tìm ra tác nhân và đưa ra giải pháp tốt nhất giúp nông dân. Cục Trồng trọt sớm tổ chức hội nghị phát triển thanh long bền vững để giúp nông dân hưởng lợi vì cây thanh long là cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Tấn Vũ - Nguyên Sĩ/ Báo Nhân Dân

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: