» » Đặc sản cũng ế ẩm

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều loại nông sản, thậm chí được coi là đặc sản ở ĐBSCL cũng ế ẩm kéo dài.


Huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) ở đất giồng cát, từ xưa trồng đậu phộng (lạc) tốt và ngon, trở thành đặc sản, hiện có 3.000 ha. Ông Nguyễn Văn Liềm ở xã Mỹ Long Bắc, hơn 20 năm trồng đậu phộng, than thở: Giá đậu phộng đã giảm từ 12.000 đồng/kg năm ngoái xuống còn 8.000 đồng/kg hiện nay, trừ chi phí là trắng tay.

Còn ông Thạch Sư ở xã Long Sơn: “Những năm trước, tới kỳ thu hoạch là thương lái xuống tận ruộng đặt cọc. Năm nay, không thấy thương lái, thỉnh thoảng có thương lái thì cò kè giá cả, rất khó bán”. Cũng ở xã Long Sơn, ông Huỳnh Văn Phước vừa thu hoạch hơn 0,2 ha đậu phộng, năng suất 6 - 7 tấn/ha, đang phơi khô trữ lại để hy vọng giá tăng.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc, ông Trang Thanh Triều, đánh giá, hơn 30 năm chọn đậu phộng là cây trồng chính xen canh với lúa, “chưa năm nào khó khăn như năm này”.

Sở NN&PTNT Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 ha đậu phộng, tập trung ở huyện Cầu Ngang, Duyên Hải; tỉnh đã phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 đạt diện tích 10.000 ha, sản lượng 47.800 tấn. Nhưng quy hoạch chỉ trên giấy theo ý muốn chứ không căn cứ vào thị trường nên không ổn định được đầu ra. Đặc biệt, chưa có doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, đậu phộng vẫn tiêu thụ dạng thô như xưa nên hiệu quả kinh tế thấp.

Còn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có đặc sản hành tím nổi tiếng, duy nhất ở ĐBSCL, năm nay trồng 5.720 ha. Trước đây, có lúc giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, nay chỉ còn 6.000 đồng/kg nên người trồng lâm cảnh khốn đốn. Ông Lý Phết ở phường 1, cho biết: “Mỗi công hành, đầu tư 11 - 12 triệu đồng, thu được 2 tấn, bán giá 6.000 đồng/kg, cầm chắc lỗ tiền công. Tôi mới thu hoạch 6,5 công, đang hy vọng giá nhích lên 7.000 đồng/kg để có lời”.

Diệu Hiền - Xuân Lương/ Báo Tiền Phong

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: