» » » Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Vẫn lạc quan nhờ thị trường và đơn hàng

VINAGRI NewsDù theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trừ thủy sản, xuất khẩu một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam như gạo, hạt điều… đã sụt giảm trong tháng 2 nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan cho các tháng tiếp theo nhờ độ mở của các thị trường và việc thúc đẩy các đơn hàng.


Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong 2 tháng 2014 ước đạt 4,33 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 919 triệu USD, tăng 23,5%; xuất khẩu gạo ước đạt 702 nghìn tấn và 330 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 8,4% về giá trị, xuất khẩu điều đạt 169 triệu USD, giảm 0,1% về khối lượng và tăng 2,4% về giá trị…

Ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP)- cho biết, trong các tháng tới, tình hình xuât khẩu tôm sẽ thuận lợi vì Nhật Bản đã chính thức thông báo nâng mức dư lượng Ethoxyquin trong tôm Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản lên 0,2 ppm, tăng 20 lần so với mức 0,01 ppm trước đây.

Đối với cá tra, mặc dù các doanh nghiệp gặp bất lợi về giá xuất khẩu nhưng chắc chắn thời gian tới, một số thị trường truyền thống sẽ mở ra cơ hội cho mặt hàng này của Việt Nam. Chẳng hạn mới đây, Ukraina đã cho phép 10 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu cá tra vào thị trường này.

Đồng thời, các nút thắt như tình trạng mất cân đối giữa sản lượng nuôi trồng, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, lãi suất cao… sẽ dần được tháo gỡ. Nhiều nhà đầu tư trong những năm qua không còn tìm thấy sự hấp dẫn của ngành này nên đã rút lui, chỉ còn lại những doanh nghiệp thật sự ổn định, có vốn, thị trường, kỹ thuật nuôi.

Trong khi đó, ở ngành hàng lúa gạo, ông Phạm Văn Bảy- Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)- cho hay, từ quý II/2014 thị trường gạo cấp cao và gạo thơm sẽ được nhiều doanh nghiệp khai thác và mang về kim ngạch lớn từ các thị trường châu Phi và châu Á. Riêng thị trường tập trung, trong tháng 3/2014, các doanh nghiệp sẽ có 2 hợp đồng lớn phải giao hàng là hợp đồng 500.000 tấn với Philippines (trúng thầu vào tháng 12/2013) và hợp đồng 21.000 tấn với Guinea.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đang tiếp tục đàm phán một số hợp đồng lớn tại khu vực châu Mỹ. Dự báo hết quý I/2014 sẽ có thêm một số hợp đồng tập trung để các doanh nghiệp xuất sang các quốc gia ở châu lục này. Ông Bảy cho biết, mặc dù nhận định chung của VFA là năm 2014 xuất khẩu gạo còn tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh được những đơn hàng giao nhanh ở Đông Nam Á, cũng như xuất khẩu biên mậu sang Trung Quốc thì kim ngạch sẽ tăng cao so với cùng kỳ.

Hai mặt hàng nông sản khác được dự báo các tháng đầu năm 2014 sẽ tăng mạnh là hạt điều và rau quả. Ông Nguyễn Đức Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam- cho hay, do Trung Quốc và một số thị trường Đông Nam Á có nhu cầu cao với các mặt hàng chế biến nên kim ngạch xuất khẩu điều quý I/2014 có thể sẽ tăng 20% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu điều cả năm có thể sẽ tốt hơn năm 2013 với dự kiến khoảng hơn 2 tỷ USD.

Ở nhóm hàng rau quả, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội trái cây Việt Nam cho biết, năm 2014, đầu tư vào chế biến các sản phẩm từ trái cây được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Thêm vào đó, các thị trường truyền thống là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang ưa chuộng các mặt hàng trái cây chế biến của Việt Nam như trái cây sấy khô, nước trái cây cô đặc…Dự báo, năm 2014, ngành hàng rau quả sẽ đuổi kịp các mặt hàng nông sản như hồ tiêu, điều về kim ngạch xuất khẩu với giá trị có thể đạt 1,2 - 1,3 tỷ USD, tăng 20% - 30% so với năm 2013.

Hùng Cường/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: